Tỷ lệ % diện tích đất dành cho hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp được xác định thế nào?
Nội dung chính
Tỷ lệ % diện tích đất dành cho các hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp được xác định thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT quy định như sau:
Điều 4. Xác định diện tích các loại đất để tính tỷ lệ đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp
1. Diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP bao gồm:
a) Diện tích đất cây xanh của khu công nghiệp;
b) Diện tích đất giao thông của khu công nghiệp;
c) Diện tích đất dành cho các hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp: gồm cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trừ diện tích quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Diện tích đất dành cho hệ thống hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp: gồm hệ thống hạ tầng cho dịch vụ tiện ích công cộng như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, cơ sở lưu trú, hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi và các công trình hạ tầng xã hội khác.
2. Tỷ lệ % diện tích của từng loại đất quy định tại khoản 1 Điều này được xác định trên tổng diện tích của khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, tỷ lệ phần trăm (%) diện tích của đất dành cho các hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp được xác định dựa trên tổng diện tích của khu công nghiệp, phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tỷ lệ % diện tích đất dành cho hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp được xác định thế nào? (Hình từ Internet)
Việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp ra sao?
Căn cứ Điều 51 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 51. Việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp
1. Chủ đầu tư tự tổ chức quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân hoặc thuê, ủy thác cho đơn vị có năng lực quản lý vận hành thực hiện quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân đó.
2. Nhà lưu trú công nhân phải được cho thuê đúng đối tượng.
3. Không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.
4. Việc bảo trì công trình phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân phải xây dựng nội quy sử dụng nhà lưu trú, công bố công khai để công nhân thuê nhà và các đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.
6. Đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân được quyền kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà lưu trú công nhân mà không bị luật cấm để giảm giá dịch vụ quản lý vận hành nhà ở.
7. Hoạt động quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân được hưởng cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích.
Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được quy định cụ thể theo quy định trên.
Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 57 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 57. Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp
1. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư:
a) Việc đề xuất; Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; quy hoạch nhà lưu trú công nhân được thực hiện đồng bộ với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan;
b) Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư nhà lưu trú công nhân thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê đất, thuê lại đất để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thì doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân;
c) Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo pháp luật về xây dựng.
2. Giai đoạn thực hiện dự án bao gồm khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng, vận hành công trình xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Giai đoạn kết thúc dự án bao gồm việc bàn giao, quyết toán Hợp đồng xây dựng và các thủ tục khác có liên quan thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở và các pháp luật khác liên quan.
Như vậy, các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được thực hiện như quy định nêu trên.