Trường hợp nào chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng?

Xác định chủ đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? Trường hợp nào chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng?

Nội dung chính

    Việc xác định chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như thế nào?

    Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), việc xác định chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:

    (1) Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

    (2) Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:

    (a) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản (3) và pháp luật về đầu tư công;

    (b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;

    (c) Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

    (d) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm (a), (b) và (c) khoản này (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

    + Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư.

    + Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;

    (đ) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại (a), (b), (c) và (d), chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.

    (3) Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư.

    Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.

    (4) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật, người quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Trường hợp nào chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng? (Hình từ Internet)

    Trường hợp nào chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng?

    Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 99 Luật Xây dựng 2014 thì chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng trước khi giấy phép xây dựng hết hiệu lực mà công trình chưa được khởi công.

    Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn tối đa 02 lần ( mỗi lần là 12 tháng). Khi hết thời gian gia hạn giấy phép xây dựng mà chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.

    Ngoài ra, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đã hết thời hạn tồn tại ghi trong giấy phép, nhưng quy hoạch chưa được thực hiện thì chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét gia hạn thời gian tồn tại cho đến khi quy hoạch được triển khai thực hiện.

    Quy trình gia hạn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ như thế nào?

    Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, gồm:

    + Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

    + Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.

    (Theo khoản 2 Điều 99 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)

    Bước 02: Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

    Trong đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép xây dựng do mình cấp), gồm có:

    (i) UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại mục (ii).

    UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

    (ii) UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

    (Theo Điều 103 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020)

    Bước 03: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm xem xét gia hạn giấy phép xây dựng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

    39