Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là gì? Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định thế nào? Trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định thế nào?

Nội dung chính

    Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là gì?

    Theo Nghị định 67/2019/NĐ-CP có định nghĩa như sau:

    Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là một phần hoặc toàn bộ trữ lượng khoáng sản trong khu vực đã thăm dò, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

    Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định thế nào?

    Theo Điều 4 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như sau:

    Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Đối với từng nhóm, loại khoáng sản được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

    Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

    Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 5  Nghị định 67/2019/NĐ-CP:

    Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau:

    T = Q x G x K1 x K2 x R

    Trong đó:

    T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;

    Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này; đơn vị tính là m3; tấn; kg và các đơn vị khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản;

    G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trị giá đơn vị khoáng sản nguyên khai, sau khai thác, được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;

    K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác được quy định: Khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1= 1,0;

    K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định về pháp luật đầu tư: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, K2= 0,9; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, K2= 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2= 1,0;

    R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).

    Trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định thế nào?

    Tại Điều 6  Nghị định 67/2019/NĐ-CP cũng có quy định về trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như sau:

    (1) Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng còn lại tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Cụ thể được xác định như sau:

    - Trường hợp trữ lượng ghi trong giấy phép khai thác là trữ lượng địa chất: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng khai thác đã được tính quy đổi thành trữ lượng địa chất. Quy đổi trữ lượng đã khai thác ra trữ lượng địa chất được thực hiện bằng cách lấy trữ lượng đã khai thác chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;

    - Trường hợp trong giấy phép khai thác không ghi trữ lượng địa chất và chỉ ghi trữ lượng khai thác: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác, nhưng không vượt quá trữ lượng khoáng sản được phê duyệt;

    - Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi tài nguyên được phép khai thác hoặc ghi công suất khai thác năm và thời hạn khai thác: lấy công suất khai thác năm nhân (x) với thời gian tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày hết hạn của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;

    - Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi khối lượng sản phẩm hàng hóa (ví dụ số lượng viên gạch, ngói hoặc các trường hợp khác) và thời gian thực hiện: Lấy mức tiêu hao nguyên liệu/đơn vị sản phẩm trong dự án đầu tư nhân (x) với khối lượng hàng hóa sản xuất trong năm, nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;

    - Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên: Lấy lưu lượng nước m3/ngày-đêm theo giấy phép khai thác nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của giấy phép, thời gian khai thác trong 01 năm được tính là 365 ngày;

    - Cơ sở tính toán trữ lượng đã khai thác cho các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này được thống kê theo báo cáo nộp thuế tài nguyên và các chứng từ, tài liệu hợp pháp liên quan hàng năm của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo phù hợp với bản đồ hiện trạng khai thác mỏ.

    (2) Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Luật khoáng sản có hiệu lực và trước ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định tương tự điểm a, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này; trong đó trữ lượng đã khai thác bằng không (0).

    (3) Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, nằm trong diện tích, ranh giới theo chiều sâu của khu vực thiết kế khai thác khoáng sản và được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản.

    (4) Đối với các giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản không bắt buộc phải tiến hành thăm dò, quy định tại Điều 65 Luật khoáng sản hoặc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản hoặc thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng sản lượng khai thác thực tế chia (:) cho 0,9 (không phẩy chín).

    (5) Đối với các dự án khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, đá ốp lát, trường hợp trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ thì trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác được tính bằng công suất theo quy hoạch hoặc theo Dự án đầu tư dã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhân (x) với thời gian khai thác tối đa 30 năm.

    (6) Đối với trường hợp gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng trữ lượng theo giấy phép đã cấp trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác tính theo quyết toán thuế tài nguyên và phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

    Trường hợp sau khi gia hạn, nếu trữ lượng còn lại theo thực tế lớn hơn trữ lượng đã tính tiền theo giấy phép cũ thì tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

    (7) Đối với quặng apatit loại III trong kho lưu, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng thể tích quặng trong kho nhân (x) với thể trọng quặng của từng kho lưu.

    1