Trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng về môi giới bất động sản, nội dung kiến thức chuyên môn được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Nội dung kiến thức chuyên môn trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng về môi giới bất động sản được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 04/2024/TT-BXD quy định về kiến thức chuyên môn về môi giới bất động sản.
Theo đó, kiến thức chuyên môn về môi giới bất động sản có tổng thời lượng là 24 tiết học, bao gồm các chuyên đề và nội dung sau:
(1) Chuyên đề 1: Tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản, trong đó có một số nội dung chính như sau:
- Giới thiệu về dịch vụ môi giới bất động sản;
- Vai trò của môi giới bất động sản trong thị trường bất động sản;
- Nguyên tắc hoạt động môi giới bất động sản;
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản và yêu cầu chuyên môn của nhà môi giới bất động sản;
- Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nghề môi giới bất động sản;
- Kinh nghiệm của các nước về dịch vụ môi giới bất động sản;
- Đạo đức nghề nghiệp của nhà môi giới bất động sản.
(2) Chuyên đề 2: Quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản, trong đó có một số nội dung chính như sau:
- Thu thập thông tin về cung, cầu bất động sản;
- Xác định đối tượng và các bên tham gia thương vụ môi giới bất động sản;
- Lập hồ sơ thương vụ môi giới;
- Hồ sơ thế chấp bất động sản;
- Thời hạn và những bước thực hiện thương vụ môi giới;
- Marketing bất động sản;
- Kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong giao dịch bất động sản;
- Kỹ năng chào bán bất động sản, niêm yết và quảng cáo bất động sản;
- Tổ chức và quản lý tổ chức môi giới bất động sản;
- Kỹ năng soạn thảo hợp đồng;
- Kỹ năng quản lý rủi ro pháp lý trong giao dịch bất động sản;
- Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong kinh doanh bất động sản.
Như vậy, nội dung kiến thức chuyên môn về môi giới bất động được đào tạo thông qua 02 chuyên đề với các nội dung cụ thể như trên.
Nội dung kiến thức chuyên môn về môi giới bất động sản được quy định như thế nào hiện nay? (Hình từ Internet)
Điều kiện và hồ sơ đăng ký dự thi môi giới bất động sản ra sao?
(1) Điều kiện dự thi:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 70 Luât Kinh doanh bất động sản 2023 và Điều 25 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì người dự thi môi giới bất động sản phải bao gồm các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù.
- Tốt nghiệp từ trung học phổ thông trở lên.
- Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản.
- Đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Hồ sơ đăng ký dự thi:
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký dự thi môi giới bất động sản gồm:
- 01 Đơn đăng ký dự thi có dán ảnh mẫu cỡ 4x6cm chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi.
- 01 Bản sao chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Thẻ căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật quốc tịch hoặc hộ chiếu (hoặc bản sao có bản chính để đối chiếu).
- 01 Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học về đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản.
- Bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp từ trung học phổ thông (hoặc tương đương) trở lên.
- 02 ảnh mẫu cỡ 4x6cm chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi, 02 phong bì có dán tem ghi rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ người nhận.
- Bản sao và bản dịch có chứng thực chứng chỉ do nước ngoài cấp (đối với người nước ngoài và người Việt Nam có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do nước ngoài cấp đang còn giá trị).
Tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 19 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì việc tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản thực hiện như sau:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch (viết tắt là kỳ thi) và cấp chứng chỉ.
- Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nhận đơn đăng ký dự thi sát hạch của thí sinh và có văn bản đề nghị cho tham dự kỳ thi sát hạch gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào số lượng thí sinh đã đăng ký dự thi và tình hình thực tế để tổ chức kỳ thi.
- Mỗi năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức ít nhất 01 kỳ thi, tùy theo số lượng thí sinh đăng ký dự thi (một kỳ thi tối thiểu phải có 10 thí sinh).
Trường hợp không đủ thí sinh để tổ chức kỳ thi (dưới 10 thí sinh) và thí sinh đã nộp hồ sơ có nhu cầu dự thi tại Hội đồng thi của địa phương khác thì Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn gửi thí sinh đó sang Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố khác để dự thi.
- Trước ngày tổ chức kỳ thi ít nhất 30 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch tổ chức kỳ thi, điều kiện, hồ sơ đăng ký dự thi, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác có liên quan tới kỳ thi.
- Kinh phí dự thi:
+ Người dự thi phải nộp kinh phí dự thi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Mức kinh phí dự thi do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng kỳ thi tùy thuộc vào số thí sinh đăng ký dự thi để chi cho việc tổ chức kỳ thi, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi;
+ Hội đồng thi được sử dụng kinh phí dự thi để chi cho các hoạt động về tổ chức kỳ thi, thù lao cho các thành viên của Hội đồng thi. Việc thanh quyết toán kinh phí dự thi phải được Chủ tịch Hội đồng thi phê duyệt.