Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất 2025

Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất 2025. Thời gian ghi nợ tiền sử dụng đất được tính từ thời điểm nào?

Nội dung chính

Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất 2025

Căn cứ khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ như sau:

- Căn cứ thời hạn ghi nợ theo quy định tại Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định về cấp giấy chứng nhận, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thanh toán nợ tiền sử dụng đất bằng cách nộp một lần tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

+ Cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất còn nợ theo số nợ ghi trên Giấy chứng nhận hoặc Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.

+ Cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

- Sau khi hoàn thành việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ gồm:

+ Giấy chứng nhận (bản gốc)

+ Chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc)

+ Hoặc Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất (bản gốc) tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông để được xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận.

+ Trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.

- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận và trả lại Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất 2025

Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất 2025 (Hình từ Internet)

Thời gian ghi nợ tiền sử dụng đất được tính từ thời điểm nào?

Căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất như sau:

Điều 22. Ghi nợ tiền sử dụng đất
[...]
2. Trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân:
[...]
d) Căn cứ Phiếu chuyển thông tin do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông chuyển đến, cơ quan thuế tính và ban hành Thông báo theo quy định để gửi đến hộ gia đình, cá nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan liên quan (nếu cần) trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo. Tại Thông báo phải bao gồm các nội dung:
d1) Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp.
d2) Số tiền sử dụng đất được ghi nợ.
d3) Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có).
d4) Thời hạn hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền; gồm:
Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) theo thời hạn quy định của pháp luật về quản lý thuế;
Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
[...]

Như vậy, thời gian ghi nợ tiền sử dụng đất được tính từ ngày ban hành Thông báo về việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Người sử dụng đất đang nợ tiền sử dụng đất thì có được sang tên sổ đỏ không?

Căn cứ tại Điều 45 Luật Đất đai 2024 có quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

Điều 45. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
...
5. Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
6. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;
b) Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
c) Vốn đầu tư;
d) Thời hạn sử dụng đất;
đ) Tiến độ sử dụng đất.
7. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

Theo đó, đối với người sử dụng đất đang nợ tiền sử dụng đất có nghĩa là người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi nộp đầy đủ số tiền còn nợ.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
saved-content
unsaved-content
68