Trách nhiệm quản lý hoạt động đường thủy nội địa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như thế nào?

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong quản lý hoạt động đường thủy nội địa?

Nội dung chính

    Trách nhiệm quản lý hoạt động đường thủy nội địa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như thế nào?

    Điều 64 Nghị định 08/2021/NĐ-CP có quy định trách nhiệm quản lý hoạt động đường thủy nội địa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:

    - Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức quản lý, khai thác bến khách ngang sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng; bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.

    - Tổ chức quản lý đối với sông, kênh, hồ, đầm, phá trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, công bố mở luồng mà có hoạt động vận tải nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

    - Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng, bến thủy nội địa bảo đảm ổn định. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, kinh doanh cảng, bến thủy nội địa được giao đất, cho thuê đất, lập hồ sơ đề nghị công bố hoạt động theo quy định.

    - Tổ chức giải tỏa các bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa không đủ điều kiện để công bố hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định.

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.

    - Chỉ đạo, tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

    - Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện:

    + Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm được giao;

    + Lập danh bạ luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý, bến khách ngang sông trên địa bàn địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi trách nhiệm;

    + Tổ chức lực lượng Thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thủy nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này.

    10