Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước là gì?
Nội dung chính
Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước là gì?
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nghị định này quy định về:
- Giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
- Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 87/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu:
- Xây dựng và ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả các doanh nghiệp (trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, cơ chế phối hợp, báo cáo trong nội bộ cơ quan đại diện chủ sở hữu và giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bên liên quan) trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
- Giao một đơn vị làm đầu mối thực hiện công tác giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp;
- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thu thập thông tin trực tiếp từ các doanh nghiệp;
- Lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính định kỳ sáu (06) tháng và hằng năm gửi Bộ Tài chính kèm theo báo cáo giám sát tài chính của từng doanh nghiệp. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 31 tháng 8 của năm báo cáo; báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý;
- Tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của cơ quan tài chính, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc xử lý các sai phạm và biện pháp tăng cường giám sát tài chính doanh nghiệp. Xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp là công chức hoặc viên chức trong các trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định và không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo trong báo cáo giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, của Bộ Tài chính.
Trường hợp báo cáo tài chính có dấu hiệu không đầy đủ, chính xác, cơ quan đại diện chủ sở hữu được quyền yêu cầu doanh nghiệp thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập đáp ứng điều kiện chuyên môn thực hiện việc soát xét lại số liệu tài chính của doanh nghiệp để có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận giám sát.