TP HCM đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ sau sáp nhập
Nội dung chính
TP HCM đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà công vụ khi sáp nhập
Theo tinh thần Nghị quyết 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thì sau sáp nhập tỉnh, thành 2025, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 6.772,59 km2, quy mô dân số là 14.002.598 người.
Nhu cầu phát sinh nhu cầu sử dụng nhà ở công vụ khi điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức giữa TP HCM (cũ), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở 2023 thì chỉ có 06 nhóm đối tượng sau được thuê nhà ở công vụ:
(1) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc trường hợp ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;
(2) Cán bộ, công chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại (1) được điều động, luân chuyển, biệt phái từ địa phương về cơ quan trung ương công tác giữ chức vụ từ Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển, biệt phái từ cơ quan trung ương về địa phương công tác hoặc từ địa phương này đến địa phương khác để giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên;
(3) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại (1) và (2) được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; trừ trường hợp pháp luật quy định đối tượng thuộc điểm này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân;
(5) Giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
(6) Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; nhân tài có đóng góp quan trọng cho quốc gia được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định trên được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Có nhiều trường hợp, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức giữa TP HCM (cũ), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không thuộc 06 nhóm đối tượng nêu trên.
Nên, TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ.
Cụ thể, tại TP HCM là các cán bộ, công chức, viên chức được điều động luân chuyển giữa 3 tỉnh thành sáp nhập nhưng không thuộc các nhóm đối tượng luật định được thuê nhà ở công vụ.
TP HCM đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ sau sáp nhập (Hình từ Internet)
Có được cho thuê lại nhà ở công vụ hay không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 47 Luật Nhà ở 2023 quy định về quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ như sau:
Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ
[...]
2. Người thuê nhà ở công vụ có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng nhà ở công vụ vào mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê nhà ở công vụ;
b) Giữ gìn nhà ở và trang thiết bị kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà ở công vụ; trường hợp sử dụng căn hộ chung cư thì còn phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư;
c) Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;
d) Trả tiền thuê nhà ở theo hợp đồng thuê nhà ở ký với bên cho thuê và thanh toán chi phí phục vụ sinh hoạt khác theo quy định của bên cung cấp dịch vụ;
đ) Trả lại nhà ở cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà ở công vụ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nghỉ hưu theo chế độ quy định tại quyết định nghỉ hưu hoặc kể từ ngày chuyển công tác đến địa phương khác theo quyết định chuyển công tác hoặc không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Điều 45 của Luật này. Quá thời hạn quy định tại điểm này mà người thuê không trả lại nhà ở thì cơ quan có thẩm quyền cho thuê nhà ở công vụ quyết định thu hồi và cưỡng chế bàn giao nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 của Luật này. Việc thu hồi, cưỡng chế bàn giao nhà ở công vụ phải được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
e) Khi trả lại nhà ở công vụ, người thuê phải bàn giao nhà ở và trang thiết bị kèm theo nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ;
g) Nghĩa vụ khác về nhà ở theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.
Như vậy, người thuê nhà ở công vụ không được phép cho thuê lại nhà ở công vụ.
Nhà ở công vụ có mấy loại theo quy định hiện nay?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Điều 13. Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm:
a) Nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bố trí tái định cư;
c) Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng để bố trí cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
d) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;
đ) Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này.
[...]
Bên cạnh đó, tại Điều 44 Luật Nhà ở 2023 có quy định:
Điều 44. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ
1. Nhà ở công vụ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và căn hộ chung cư có tiêu chuẩn diện tích khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật này.
2. Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
Như vậy:
- Nếu phân chia nhà ở công vụ theo cấp sẽ có 02 loại:
+ Nhà ở công vụ của trung ương.
+ Nhà ở công vụ của địa phương.
- Nếu phân chia nhà ở công vụ theo loại nhà ở sẽ có 03 loại:
+ Nhà biệt thự.
+ Nhà ở liền kề.
+ Căn hộ chung cư.