Tổng mức cho vay tối đa của Quỹ Phát triển dữ liệu đối với một tổ chức là bao nhiêu?
Nội dung chính
Tổng mức cho vay tối đa của Quỹ Phát triển dữ liệu đối với một tổ chức là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 160/2025/NĐ-CP có nêu như sau:
Điều 22. Mức cho vay, thời hạn cho vay
1. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một tổ chức không được vượt quá 15% ngân sách hoạt động thực có của Quỹ tại mọi thời điểm.
2. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của tổ chức và điều kiện cụ thể của từng dự án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 05 năm.
Như vậy, Tổng mức cho vay tối đa của Quỹ Phát triển dữ liệu đối với một tổ chức không vượt quá 15% ngân sách hoạt động thực có của quỹ tại mọi thời điểm.
Trên đây là thông tin về Tổng mức cho vay tối đa của Quỹ Phát triển dữ liệu đối với một tổ chức là bao nhiêu?
Tổng mức cho vay tối đa của Quỹ Phát triển dữ liệu đối với một tổ chức là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Quản lý nhà nước về dữ liệu hiện nay được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Dữ liệu 2024 quy định về quản lý nhà nước về dữ liệu như sau:
(1) Nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu bao gồm:
- Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia; văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, chất lượng dữ liệu;
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dữ liệu; hướng dẫn cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu;
- Quản lý, giám sát các hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu;
- Báo cáo, thống kê về dữ liệu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý, giám sát, phát triển thị trường dữ liệu;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dữ liệu;
- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về dữ liệu.
(2) Trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu được quy định như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu;
- Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu, trừ quy định tại điểm c khoản này;
- Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu thuộc phạm vi quản lý.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu cơ yếu thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về cơ yếu;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu; thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu tại địa phương.
Nội dung phân loại dữ liệu được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 13 Luật Dữ liệu 2024 thì phân loại dữ liệu được quy định như sau:
(1) Cơ quan nhà nước phải phân loại dữ liệu dựa trên yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu, bao gồm:
- Phân loại theo tính chất chia sẻ dữ liệu gồm: dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, dữ liệu mở;
- Phân loại theo tính chất quan trọng của dữ liệu gồm: dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác;
- Phân loại theo tiêu chí khác đáp ứng yêu cầu quản trị, xử lý, bảo vệ dữ liệu do chủ quản dữ liệu quyết định.
(2) Chủ sở hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này phải phân loại dữ liệu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Dữ liệu 2024 và được phân loại dữ liệu theo các tiêu chí khác.
(3) Chính phủ quy định tiêu chí xác định dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.
Chính sách của Nhà nước về dữ liệu ra sao?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Dữ liệu 2024thì chính sách của Nhà nước về dữ liệu như sau:
- Dữ liệu là tài nguyên, Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực để làm giàu dữ liệu, phát triển dữ liệu trở thành tài sản.
- Ưu tiên xây dựng, phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu.
- Đầu tư xây dựng và phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của người làm công tác về dữ liệu; có cơ chế thu hút nhân lực có trình độ cao để xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực dữ liệu; xây dựng trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu tại Việt Nam; phát triển thị trường dữ liệu.
- Hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quản lý được bảo đảm từ nguồn lực của Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu.
Lưu ý: Luật Dữ liệu 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.