Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng có phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư không?

Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng có phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư không? Chưa nghiệm thu công trình xây dựng có được bàn giao công trình không?

Nội dung chính

    Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng có phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 112 Luật Xây dựng 2014 quy định:

    Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình
    ...
    2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
    a) Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình và công việc thi công xây dựng;
    b) Phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng;
    c) Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng;
    d) Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;
    đ) Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình;
    e) Thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực hoạt động xây dựng để kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết;
    g) Xem xét, quyết định các đề xuất liên quan đến thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng;
    h) Lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình;
    i) Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình;
    k) Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;
    l) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng là một nghĩa vụ của chủ đầu tư.Điều này có nghĩa là chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra, đánh giá công trình sau khi hoàn thành để đảm bảo công trình đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn theo thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật.

    Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng có phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư không?Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng có phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư không? (Ảnh từ Internet)

    Chưa nghiệm thu công trình xây dựng có được bàn giao công trình không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 124 Luật Xây dựng 2014 được bổ sung bởi điểm a khoản 46 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Bàn giao công trình xây dựng
    1. Việc bàn giao công trình xây dựng phải tuân thủ các quy định sau:
    a) Đã thực hiện nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng;
    b) Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.
    c) Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, có thể bàn giao toàn bộ hoặc một số công trình thuộc dự án để đưa vào sử dụng nhưng trước khi bàn giao phải hoàn thành đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo phân kỳ đầu tư, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, phù hợp với nội dung dự án và quy hoạch đã được phê duyệt.
    ...

    Như vậy, chưa nghiệm thu công trình xây dựng thì không được bàn giao công trình. Quy định yêu cầu rằng công trình chỉ được bàn giao khi đã thực hiện nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng. Điều này nhằm đảm bảo rằng công trình đạt các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cần thiết trước khi đưa vào sử dụng.

    Nghiệm thu công trình xây dựng được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 123 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 45 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì việc nghiệm thu công trình xây dựng được quy định như sau:

    (1) Việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm:

    - Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết;

    - Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.

    (2) Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này.

    (3) Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng.

    (4) Công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng; công trình sử dụng vốn đầu tư công phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình. Trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu được quy định như sau:

    - Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp;

    - Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với công trình xây dựng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

    (5) Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất lượng, nghiệm thu, giải quyết sự cố công trình xây dựng và công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.

    3