Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chuyên viên pháp lý: Tô Quốc Trình
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Đã có Quyết định quy định về tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Nội dung chính

    Thành phố Thủ Đức đang là thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương duy nhất đúng không?

    Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021).

    Theo đó, thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

    Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có diện tích 211,56 km² và quy mô dân số 1.013.795 người, gồm 34 phường trực thuộc. Như vậy, hiện nay Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

    Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh

    Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh (Hình ảnh từ Internet)

    Mục tiêu tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, phát triển thành phố Thủ Đức

    Tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025 thì mục tiêu quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức như sau:

    - Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.

    - Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với các khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I và loại đặc biệt, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng số, hạ tầng đô thị thông minh.

    - Có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa và đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh

    Cụ thể, tại khoản 6 Điều 1 Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025 thì tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức như sau:

    * Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế

    - Tổ chức các trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại:

    + Phát triển trung tâm tài chính quốc gia, có vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; bảo đảm việc tổ chức không gian đô thị, cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế quốc gia.

    + Tiếp tục đầu tư và bổ sung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ thương mại, hội chợ, triển lãm gắn với 11 trọng điểm phát triển của thành phố, các khu vực đầu mối giao thông công cộng và tại các khu đô thị.

    - Tổ chức không gian sản xuất công nghiệp, công nghệ cao:

    + Tiếp tục nâng cấp, phát triển Khu công nghệ cao hiện hữu, quy mô khoảng 913 ha, theo hướng kết nối hoạt động sản xuất, tập trung nghiên cứu - phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo để dẫn dắt trình độ công nghệ của khu vực và quốc gia; xây dựng khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Phước với quy mô diện tích khoảng 194,8 ha.

    Các khu công nghệ cao phát triển theo hướng nghiên cứu - phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ phục vụ cho hoạt động của khu công nghệ cao để nâng cao sức hấp dẫn đối với người lao động trình độ cao. Tạo lập hệ sinh thái sáng tạo, kết nối hoạt động sản xuất, dịch vụ và tổ chức khu lưu trú phù hợp với mô hình sản xuất mới.

    + Đối với 04 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu tại các phường Linh Trung, Bình Chiểu và Thạnh Mỹ Lợi, có quy mô diện tích khoảng 280 - 290 ha, khuyến khích chuyển đổi không gian phù hợp với mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đô thị.

    + Phát triển khu vực Tam Đa - giáp phía Bắc khu Depot thành khu đô thị công nghệ cao, công nghệ tiên tiến (quy mô khoảng 250 ha); trong đó khuyến khích bố trí các chức năng nghiên cứu, đào tạo, phát triển và sản xuất công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, dịch vụ trong các khu hỗn hợp quy mô khoảng 133 - 140 ha.

    - Tổ chức các trung tâm logistics:

    + Phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, chế xuất với quy mô khoảng 400 - 450 ha, bao gồm: trung tâm Logistics Long Bình, trung tâm Logistics Cát Lái, trung tâm Logistics Linh Trung, trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển chức năng logistics tại Khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khu đầu mối giao thông, theo nhu cầu phát triển.

    Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô hàng và bến hàng hóa để hỗ trợ cho dịch vụ logistics và sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn thành phố Thủ Đức, với quy mô khoảng 120 - 130 ha; tổ chức giao thông vận tải tại các trung tâm logistics, cảng cạn và bến hàng hóa được phân tách với giao thông đô thị và bảo đảm kết nối vận tải đường thủy quốc gia và quốc tế.

    - Tổ chức trung tâm du lịch, vui chơi giải trí:

    + Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái gắn với Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc; dịch vụ giải trí, thể dục thể thao gắn với sân golf Thủ Đức; trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái khu vực ven sông Sài Gòn, ven sông Tắc, ven sông Đồng Nai.

    + Hình thành trung tâm du lịch kết hợp dịch vụ thương mại tại bến tàu khách Trường Thọ và tại các khu phức hợp xung quanh ga đầu mối đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

    + Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị cảnh quan sinh thái, môi trường; đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa; mở rộng phát triển du lịch cuối tuần gắn với dịch vụ mua sắm, sinh thái nghỉ dưỡng vùng sông nước, vui chơi giải trí để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khách du lịch; đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch.

    * Tổ chức hạ tầng xã hội:

    - Tổ chức trung tâm đào tạo - nghiên cứu:

    Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và phát huy vai trò của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống các trường đại học hiện có hoặc đã xác định quỹ đất với tổng quy mô khoảng 360 - 400 ha. Xây dựng mới các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, viện - trường tại khu vực Long Phước và trong các khu chức năng hỗn hợp tại từng phân vùng đô thị, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ theo mô hình công nghệ cao, công nghệ số; hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức và đổi mới, sáng tạo.

    - Tổ chức trung tâm y tế:

    Các cơ sở y tế gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương trên địa bàn thành phố Thủ Đức có tổng diện tích khoảng 18 - 20 ha; trong đó, duy trì 03 cơ sở y tế hiện có với tổng quy mô diện tích khoảng 13 ha; hình thành cơ sở y tế mới quy mô khoảng 5,5 - 6,0 ha, trên cơ sở Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần tại phường Tam Phú và bổ sung các trung tâm y tế tại các phân khu đô thị.

    - Tổ chức trung tâm thể dục thể thao:

    Xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc với đầy đủ các chức năng phục vụ thi đấu, luyện tập thể dục thể thao, công trình phục vụ thể dục thể thao; công trình dịch vụ; công viên công cộng,... quy mô khoảng 186,78 ha; bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện, thi đấu và tổ chức sự kiện thể dục thể thao quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, phát triển cơ sở dịch vụ thể thao và cơ sở y tế chuyên ngành theo hướng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao.

    - Tổ chức trung tâm văn hóa:

    Xây dựng trung tâm văn hóa, nghệ thuật, bảo tàng chuyên đề, nhà văn hóa,...của Thành phố Hồ Chí Minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô khoảng 6 - 10 ha; ngoài ra, bố trí các trung tâm văn hóa cấp Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với phương án quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các khu đô thị mới tại các phân vùng phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu của người dân tại từng khu vực.

    10
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ