Thửa đất liền kề là gì? Đất liền kề chuyển thành đất thổ cư có được không?
Nội dung chính
Thửa đất liền kề là gì?
Hiện nay, Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan chưa có định nghĩa chính thức hay hướng dẫn cụ thể về “thửa đất liền kề”. Trên thực tế, khái niệm này cũng chưa được hiểu thống nhất, như cách hiểu về một số loại đất quen thuộc khác như đất ở (đất thổ cư) hay đất xen kẹt.
Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến trong thực tiễn quản lý và sử dụng đất, thửa đất liền kề thường được hiểu là phần đất tiếp giáp trực tiếp với đất ở (đất thổ cư) trong cùng một thửa đất có nhiều loại mục đích sử dụng khác nhau. Phần đất này có thể thuộc nhóm đất nông nghiệp (như đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm) hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Về mặt pháp lý, thửa đất liền kề không có ranh giới riêng biệt được xác lập rõ ràng, mà thường được nhận biết thông qua mục đích sử dụng đất và sơ đồ địa chính. Tùy vào quy hoạch và nhu cầu thực tế, thửa đất liền kề có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thửa đất liền kề là gì? Đất liền kề chuyển thành đất thổ cư có được không? (Hình từ Internet)
Đất liền kề chuyển thành đất thổ cư có được không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
...
Có thể thấy, tất cả các loại đất muốn chuyển sang đất ở phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, đất liền kề tùy thuộc vào là loại đất gì, có thể được chuyển thành đất thổ cư, tuy nhiên cần phải làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Luật Đất đai 2024:
Điều 173. Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
1. Thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thì thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê;
d) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
...
Thời hạn sử dụng đất khi cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất được xác định như sau:
- Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác: Thời hạn sử dụng đất tuân theo thời hạn của loại đất mới và được tính từ thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng.
- Chuyển đất nông nghiệp (cây hằng năm, cây lâu năm, rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm muối) sang đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài.
- Chuyển mục đích giữa các loại đất nông nghiệp khác: Cá nhân được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn đã được giao, cho thuê ban đầu.
- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp: Thời hạn sử dụng đất xác định theo thời hạn của loại đất mới, tính từ thời điểm có quyết định chuyển mục đích.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép diễn ra như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 227 Luật Đất đai 2024, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra như sau:
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định của Luật này được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
(1) Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
(2) Cơ quan có chức năng quản lý đất đai kiểm tra các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ chưa bảo đảm quy định thì hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.
(3) Cơ quan có chức năng quản lý đất đai có trách nhiệm sau đây:
- Đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất;
- Đối với trường hợp xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; tổ chức việc xác định giá đất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
(4) Người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì cơ quan thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thực hiện giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người sử dụng đất.
(5) Cơ quan có chức năng quản lý đất đai ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất; chuyển hồ sơ đến tổ chức đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
(6) Trường hợp thực hiện nhận chuyển quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất thì được thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Điều này.