Thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ đương nhiên giữa người Việt với nhau như thế nào?

Thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ đương nhiên giữa người Việt với nhau được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ đương nhiên giữa người Việt với nhau như thế nào?

    Căn cứ pháp lý:

    - Luật Hộ tịch 2014;

    - Bộ luật dân sự 2015;

    - Thông tư 85/2019/TT-BTC;

    - Thông tư 04/2020/TT-BTP.

    Điều kiện:

    - Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

    - Người được giám hộ chết.

    - Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

    - Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

    Hồ sơ:

    - Người yêu cầu đăng ký hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

    - Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ.

    - Tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ.

    - Giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ.

    - Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký chấm dứt giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

    Phương thức nộp:

    - Người có yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đăng ký chấm dứt giám hộ.

    - Người thực hiện việc đăng ký chấm dứt giám hộ có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.

    Cơ quan giải quyết:

    Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.

    Thời hạn giải quyết:

    Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

    Lệ phí: Được miễn.

     

    15