Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mới nhất 2024?

Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực nào thì bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng? Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mới nhất 2024? Thi công công trình nào không cần chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Nội dung chính

    Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực nào thì bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

    Căn cứ khoản 1 khoản 2 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a khoản 26 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng:

    Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng

    1. Tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:

    a) Khảo sát xây dựng;

    b) Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

    c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

    d) Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

    đ) Thi công xây dựng công trình;

    e) Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

    g) Kiểm định xây dựng;

    h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

    2. Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ năng lực), trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII Nghị định này. Trường hợp tổ chức đã được cấp chứng chỉ năng lực có lĩnh vực hoạt động xây dựng khác với quy định tại Phụ lục VII Nghị định này thì lĩnh vực hoạt động xây dựng ghi trên chứng chỉ năng lực khi được gia hạn là lĩnh vực quy định tại Phụ lục VII Nghị định này được xác định tương ứng theo kinh nghiệm thực hiện công việc phù hợp của tổ chức kê khai trong đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực.”.

    ...

    Như vậy, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau thì bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

    - Khảo sát xây dựng;

    - Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

    - Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

    - Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

    - Thi công xây dựng công trình;

    - Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

    Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mới nhất 2024? (Hình từ Internet)

    Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mới nhất 2024?

    Căn cứ khoản 1 Điều 80 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định trình tự cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng:

    Trình tự cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

    1. Đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng:

    a) Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 76 Nghị định này qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề;

    b) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, điều chỉnh hạng, điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề, gia hạn chứng chỉ; 10 ngày đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề; 25 ngày đối với trường hợp chuyển đổi chứng chỉ hành nghề. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị;

    c) Đối với cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nhưng chưa có kết quả sát hạch thì thời hạn xét cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này được tính kể từ thời điểm có kết quả sát hạch.

    ...

    Như vậy, thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng được thực hiện như sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ

    Tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề;

    Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, bao gồm:

    - Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

    - 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm và tệp tin ảnh có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;

    - Văn bằng do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp;

    - Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai.

    - Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài;

    - Bản sao kết quả sát hạch đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

    Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

    Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ

    Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị;

    Bước 3: Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

    Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu

    Thi công công trình nào không cần chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

    Căn cứ khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 26 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng:

    Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng

    ...

    3. Tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Nghị định này khi tham gia các công việc sau:

    a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 22 Nghị định này; Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 23 Nghị định này;

    b) Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

    c) Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

    d) Thiết kế, giám sát, thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát, thi công nội thất công trình;

    ...

    Theo đó, khi thi công công trình sau không cần chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

    - Thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

    - Thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

    - Thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát, thi công nội thất công trình;

    Trân trọng!

    44