Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do ai quyết định?

Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do ai quyết định? Quy định chung của hợp đồng xây dựng như thế nào?

Nội dung chính

    Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do ai quyết định?

    Căn cứ tại khoản 3 Điều 142 Luật Xây dựng 2014 quy định về hồ sơ hợp đồng xây dựng như sau:

    Hồ sơ hợp đồng xây dựng
    1. Hồ sơ hợp đồng xây dựng gồm hợp đồng có nội dung theo quy định tại Điều 141 của Luật này và các tài liệu kèm theo hợp đồng.
    2. Tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng gồm một số hoặc toàn bộ các tài liệu sau:
    a) Văn bản thông báo trúng thầu hoặc chỉ định thầu;
    b) Điều kiện cụ thể của hợp đồng hoặc Điều khoản tham chiếu đối với hợp đồng tư vấn xây dựng;
    c) Điều kiện chung của hợp đồng;
    d) Hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu của bên giao thầu;
    đ) Các bản vẽ thiết kế và các chỉ dẫn kỹ thuật;
    e) Hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất của bên nhận thầu;
    g) Biên bản đàm phán hợp đồng, văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng;
    h) Các phụ lục của hợp đồng;
    i) Các tài liệu khác có liên quan.
    3. Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận thì áp dụng theo thứ tự quy định tại khoản 2 điều này.

    Như vậy, theo quy định nêu trên, thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận.

    Trường hợp các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận thì áp dụng theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Xây dựng 2014.

    Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do ai quyết định?

    Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do ai quyết định? (Hình từ Internet)

    Quy định chung của hợp đồng xây dựng như thế nào?

    Căn cứ vào Điều 138 Luật Xây dựng 2014, quy định chung về hợp đồng xây dựng cụ thể như sau:

    - Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    - Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm:

    + Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;

    + Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;

    + Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;

    + Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng gồm:

    + Các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;

    + Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật;

    + Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

    - Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng xây dựng có sự tham gia của bên nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.

    - Hợp đồng xây dựng phải được ký kết và thực hiện phù hợp với quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

    Các bên có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng không?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 145 Luật Xây dựng 2014, quy định về tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng như sau:

    Tạm dừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng
    1. Các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong trường hợp sau:
    a) Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết;
    b) Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán.
    2. Bên giao thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau:
    a) Bên nhận thầu bị phá sản hoặc giải thể;
    b) Bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.
    3. Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:
    a) Bên giao thầu bị phá sản hoặc giải thể;
    b) Do lỗi của bên giao thầu dẫn tới công việc bị dừng liên tục vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
    c) Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
    4. Trước khi một bên tạm dừng, chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải thông báo cho bên kia bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng, chấm dứt hợp đồng; trường hợp không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

    Như vậy, các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong trường hợp sau:

    - Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết;

    - Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán.

    23