Thời gian thử việc có được tính khi tính ngày nghỉ phép năm không?

Trước khi ký hợp đồng lao động chính thức với công ty thì tôi có ký hợp đồng thử việc 02 tháng với công ty, sau khi thử việ thì mới ký hợp đồng chính thức. Vậy thời gian 02 tháng thử việc của tôi có được tính vào thời gian làm việc tại công ty để tính phép năm cho tôi hay không?

Nội dung chính

    Thời gian thử việc có được tính khi tính ngày nghỉ phép năm không?

    Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

    - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

    - 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

    - 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

    Lưu ý: Trường hợp người lao động có dưới 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì thời gian nghỉ hằng năm của người lao động sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc cho người sử dụng lao động đó.

    Theo quy định tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động cho một người sử dụng lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm sẽ bao gồm cả các thời gian sau đây:

    - Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.

    - Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.

    - Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.

    - Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.

    - Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

    - Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.

    - Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    - Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.

    - Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

    - Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.

    - Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

    Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì thời gian thử việc của người lao động theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động luôn sẽ được tính vào thời gian làm việc của người lao động cho một người sử dụng lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động đó.

    Do đó: Trường hợp trước khi ký hợp đồng lao động chính thức với công ty, bạn có ký hợp đông thử việc 02 tháng với công ty, nên thời gian thử việc 02 tháng này của bạn sẽ được tính vào thời gian làm việc của bạn cho công ty để tính số ngày nghỉ hằng năm của bạn theo quy định của pháp luật.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    791
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ