Thời gian làm việc tối thiểu trong tháng để được đóng bảo hiểm xã hội? Công ty không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm thì sao?
Nội dung chính
Làm việc bao nhiêu ngày trong tháng để được đóng BHXH?
Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 20/1. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được đóng bảo hiểm xã hội cho tháng 1 hay không? Mong sớm nhận phản hồi ạ?
Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy theo quy định trên thì trong một tháng nếu người lao động có số ngày nghỉ từ 14 ngày công trở lên thì sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội cho tháng đó.
Có thể thấy: Nếu bạn làm việc có chế độ ngày nghỉ là chủ nhật, đến ngày 20/1 bạn nghỉ, và trong tháng đó bạn không nghỉ ngày nào thì bạn làm được 17 ngày (do từ 1/1 đến 20/1 có 2 ngày nghỉ hàng tuần và có một ngày nghỉ lễ, tết-> Vì bạn được 17 ngày công nên bạn sẽ được đóng. Còn nếu chế độ ngày nghỉ của bạn là thứ 7 và chủ nhật thì bạn có 15 ngày (do từ 1/1 đến 20/1 có 4 ngày nghỉ hàng tuần và 1 ngày nghỉ lễ) vậy thì bạn cũng sẽ được đóng BHXH.
Vậy với trường hợp của bạn nếu trong tháng 1, tính đến ngày 20/1 bạn đi làm đầy đủ không nghỉ ngày nào thì bạn vẫn được công ty đóng bảo hiểm xã hội cho bạn.
Thời gian làm việc tối thiểu trong tháng để được đóng bảo hiểm xã hội? Công ty không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm thì sao?(Hình từ Internet)
Làm việc 03 tháng có được đóng bảo hiểm không?
Mình ký hợp đồng lao động làm việc 03 tháng cho một công ty, do nhu cầu nên họ chỉ ký hợp đồng có 03 tháng. Vậy cho hỏi trường hợp này mình có được đóng BHXH, BHYT, BHTN không?
Trả lời:
Hiện nay theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì chỉ có 02 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Và trường hợp này tất nhiên hợp đồng của bạn là hợp đồng xác định thời hạn (03 tháng).
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gồm:
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
…
Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì đối tượng tham gia bảo hiểm y tế gồm:
Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
…
Theo Luật Việc làm 2013 thì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
…
Như vậy, từ các quy định trên cho thấy dù hợp đồng lao động xác định thời hạn của bạn chỉ có 03 tháng thì vẫn được đóng các loại bảo hiểm theo quy định.
Công ty không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm thì phải làm sao?
Em có thỏa thuận với công ty là sau 2 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng lao động và sau 6 tháng sẽ đóng BHXH. Nhưng em làm hơn 6 tháng rồi mà vẫn chưa thấy đóng BHXH và ký hợp đồng lao động với em ạ. Giờ em phải làm sao đây ạ?
Trả lời:
Trường hợp sau khi kết thúc thời gian thử việc và đạt yêu cầu thì các bên phải giao kết hợp đồng lao động. Công ty có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định. Cho nên, công ty không ký hợp đồng lao động và không đóng BHXH là sai quy định.
Theo Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động, trong đó:
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
....
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;
...
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trường hợp trên bạn có thể khiếu nại đến giám đốc công ty. Nếu không giải quyết anh có thể khiếu nại đến thanh tra sở lao động thương binh xã hội nơi công ty đóng trụ sở.
Trân trọng!