07:56 - 04/12/2024

Thiết quân luật là gì? Vì sao ban hành thiết quân luật? VN có những thiết quân luật nào?

Thiết quân luật là gì? Vì sao ban hành thiết quân luật? Việt Nam có những thiết quân luật nào? Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật?

Nội dung chính

    Thiết quân luật là gì? Vì sao ban hành thiết quân luật?

    Theo khoản 1 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 thì thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện.

    Thiết quân luật được ban hành khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng đến mức chính quyền không thể kiểm soát được tình hình. Trong trường hợp này, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ. Đây là một biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn, được thực hiện bởi Quân đội, nhằm khôi phục trật tự và kiểm soát tình hình tại khu vực chịu ảnh hưởng.

    Thiết quân luật là gì? Vì sao ban hành thiết quân luật? VN có những thiết quân luật nào?

    Thiết quân luật là gì? Vì sao ban hành thiết quân luật? VN có những thiết quân luật nào? (Ảnh từ Internet)

    Việt Nam có những thiết quân luật nào?

    Hiện tại, pháp luật hiện hành có một số văn bản liên quan đến thiết quân luật như sau:

    Sắc lệnh số 77 năm 1946 về việc quy định việc thiết quân luật do Chủ tịch Chính phủ ban hành

    Sắc lệnh số 3 năm 1945 về việc Thiết quân luật tại Hà Nội do Chủ tịch nước ban hành

    Sắc lệnh số 162 năm 1946 về việc uỷ cho các UBKC khu quyền thiết quân luật trong địa phận khu do Chủ tịch Chính phủ ban hành

    Thông tư 220NV/PC năm 1946 về việc thiết quân luật và lệnh giới nghiêm do Bộ Nội Vụ- Bộ Tư Pháp ban hành

    Sắc lệnh số 22 năm 1945 về bãi đoạn a, điều thứ 2 trong Sắc lệnh ngày 1-9-1945 thiết quân luật tại Hà nội do Chủ tịch Chính phủ ban hành

    Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật

    Theo khoản 6 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 thì các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm:

    - Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;

    - Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;

    - Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;

    - Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    - Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.

    Quy định về biện pháp giới nghiêm như thế nào?

    Căn cứ Điều 22 Luật Quốc phòng 2018 quy định:

    Giới nghiêm
    1. Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.
    2. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
    3. Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như sau:
    a) Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh;
    b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện;
    c) Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã;
    d) Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn.
    4. Lệnh giới nghiêm phải xác định nội dung sau đây:
    a) Khu vực giới nghiêm;
    b) Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm;
    c) Thời hạn bắt đầu và kết thúc hiệu lực, nhiều nhất không được quá 24 giờ; khi hết liệu lực, nếu cần thiết phải tiếp tục giới nghiêm thì phải ban bố lệnh mới;
    d) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm;
    đ) Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.
    5. Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm bao gồm:
    a) Cấm tụ tập đông người;
    b) Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định;
    c) Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định;
    d) Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát;
    đ) Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.
    6. Chính phủ quy định trình tự ban bố lệnh giới nghiêm; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thi hành lệnh giới nghiêm.

    Như vậy, quy định về biện pháp giới nghiêm được nêu cụ thể như trên

    160