Tên gọi mới của 05 sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau hợp nhất?
Nội dung chính
Tên gọi mới 05 sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau hợp nhất?
Ngày 18/12/2024, Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ-TW của Chính phủ đã ban hành Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 về việc định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Trong đó, căn cứ quy định tại tiểu mục 1 Mục II Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024, dự kiến tên gọi mới của 05 sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau sáp nhập như sau:
(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính
Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính
Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng
Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông
Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Xây dựng và Giao thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(3) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(4) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ
Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông
Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
(5) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ
Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động.
Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.
Tên gọi mới 05 sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau hợp nhất? (Hình từ Internet)
Quan điểm chỉ đạo của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là gì?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục II Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, quan điểm chỉ đạo của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được xác định như sau:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân; bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ và các văn kiện của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
(2) Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.
(3) Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.
(4) Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.
(5) Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
(6) Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.