Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng, gợi ý nội dung sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành

Số hiệu 24/CV-BCĐTKNQ18
Ngày ban hành 18/12/2024
Ngày có hiệu lực 18/12/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHỈ ĐẠO
VỀ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW CỦA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CV-BCĐTKNQ18
V/v định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2024

 

Kính gửi:

- Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ chủ trương tại Kết luận số 09-KL/TW ngày 24/11/2024 và yêu cầu tại Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW[1]; triển khai thực hiện Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương triển khai xây dựng Đề án, chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

b) Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

c) Người đứng đầu Tỉnh ủy (thành ủy), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về lộ trình, kế hoạch và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của địa phương mình.

3. Nguyên tắc

a) Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chỉ đạo Trung ương; định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

b) Tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời, rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các sở, ban, ngành (phấn đấu giảm khoảng 15% số đầu mối tổ chức bên trong) theo định hướng của Trung ương, quy định của Chính phủ và phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

c) Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn phải gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

II. ĐỊNH HƯỚNG, GỢI Ý SẮP XẾP TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN

Trên cơ sở định hướng và nguyên tắc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng, gợi ý việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:

1. Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1.1. Duy trì 03 sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

1.2. Định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương, cụ thể:

(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính

a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính

b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.

(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng

a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông

b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Xây dựng và Giao thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.

(3) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Về tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường.

b) Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.

(4) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ

[...]