Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao nhiêu năm? Vũ khí quân dụng là gì?
Vừa rồi tôi có đọc báo thấy ở Đăk Lăk có một vụ tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng đang bị khởi tố và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Vậy cho tôi hỏi đối với hành vi này nếu bị phạt hành chính thì sẽ là bao nhiêu tiền? Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ khoảng bao nhiêu năm?

Nội dung chính

    1. Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị;

    b) Không kê khai, đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

    ...

    5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

    b) Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

    c) Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

    6. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

    7. Hình thức xử phạt bổ sung:

    a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;

    b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;

    c) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và các điểm b và k khoản 3 Điều này.

    8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

    b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và c khoản 2; các điểm a, b, c, d, đ, e và k khoản 3; các điểm a, c, d, e và i khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;

    c) Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo đối với hành vi quy định tại điểm o khoản 2 Điều này.

    Như vậy, đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

    2. Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao nhiêu năm?

    Theo Điều 304 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau:

    1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

    c) Làm chết người;

    d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

    h) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

    a) Làm chết 02 người;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

    d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    a) Làm chết 03 người trở lên;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

    d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

    Theo đó, đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt cao nhất là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy vào từng trường hợp được quy định trên.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Mức hình phạt sẽ dựa vào quyết định của Tòa án giải quyết dựa trên hồ sơ, chứng cứ vụ việc hình sự.

    3. Vũ khí quân dụng là gì?

    Tại Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 quy định như sau:

    2. Vũ khí quân dụng bao gồm:

    a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

    Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

    Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

    Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

    Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;

    b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.

    Như vậy, vũ khí quân dụng là những vụ khí được liệt kê ở trên.

    Trân trọng!

    458