Số tiền đặt cọc tối đa khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là bao nhiêu?
Nội dung chính
Nhà ở hình thành trong tương lai là gì?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng phát triển, việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đã trở thành một xu hướng phổ biến tại Việt Nam. Điều này không chỉ xuất phát từ nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn, mà còn nhờ vào chính sách của nhà nước và các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án nhà ở lớn được triển khai và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.
Theo quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, nhà ở hình thành trong tương lai là loại hình bất động sản chưa được hoàn thiện hoặc đang trong quá trình xây dựng và chưa nghiệm thu để đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Loại nhà ở này thường được bán hoặc giao dịch dựa trên các hợp đồng mua bán, với thời gian bàn giao trong tương lai, khi dự án hoàn tất và được nghiệm thu.
Ví dụ: Căn hộ chung cư trong tòa nhà chung cư đang xây dựng chưa bàn giao là nhà ở hình thành trong tương lai.
Số tiền đặt cọc tối đa khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Số tiền đặt cọc tối đa khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở từ bên đặt cọc để mua, thuê mua khi nhà ở hình thành trong tương lai đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì chủ đầu tư không được phép ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Trước đây pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về mức trần tiền đặt cọc trong giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Điều này dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư có thể tự do thỏa thuận mức đặt cọc với người mua, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà. Việc quy định mức tiền đặt cọc tối đa đã giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cho người mua nhà.
Số tiền tối đa được trả trước khi bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, việc thanh toán trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện nhiều lần.
Theo đó, khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, lần thanh toán đầu tiên không quá 30% giá trị hợp đồng (bao gồm cả tiền đặt cọc), các lần sau phải phù hợp với tiến độ xây dựng, nhưng tổng số không vượt quá 70% giá trị hợp đồng trước khi bàn giao. Nếu bên bán là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổng số không quá 50%.
Như vậy, quy định về việc thanh toán trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai tại năm 2024 cơ bản vẫn kế thừa quy định Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 khi vẫn giữ lại cơ chế thanh toán thành nhiều lần, mức thanh toán lần đầu vẫn là 30% giá trị hợp đồng.
Mức tiền tối đa mà bên bán được thu trước khi bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai vẫn giữ ở mức 70% giá trị hợp đồng, nếu bên bán là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì mức được thu tối đa giảm xuống còn 50%.