Sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường nào theo Nghị quyết 1685?

Chuyên viên pháp lý: Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường nào theo Nghị quyết 1685? Quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bao gồm các nội dung nào?

Nội dung chính

    Sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường nào theo Nghị quyết 1685?

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 1685/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 ngày 16/6/2025.

    Tải về Nghị quyết 1685/NQ-UBTVQH15 tại đây

    Theo đó, sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 01 đặc khu; trong đó có 112 phường, 50 xã, 01 đặc khu hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều này và 05 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp là phường Thới Hòa, các xã Long Sơn, Hòa Hiệp, Bình Châu, Thạnh An.

    Cụ thể, sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường sau đây theo Nghị quyết 1685:

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Phước và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Linh Đông thành phường mới có tên gọi là phường Hiệp Bình.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Bình Thọ, Linh Chiểu, Trường Thọ, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Linh Tây và phần còn lại của phường Linh Đông sau khi sắp xếp thành phường mới có tên gọi là phường Thủ Đức.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Bình Chiểu, Tam Phú và Tam Bình thành phường mới có tên gọi là phường Tam Bình.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Linh Trung, phường Linh Xuân và phần còn lại của phường Linh Tây sau khi sắp xếp theo quy định thành phường mới có tên gọi là phường Linh Xuân.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Tân Phú (thành phố Thủ Đức), Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần diện tích tự nhiên của phường Long Thạnh Mỹ thành phường mới có tên gọi là phường Tăng Nhơn Phú.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Long Bình và phần còn lại của phường Long Thạnh Mỹ sau khi sắp xếp thành phường mới có tên gọi là phường Long Bình.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Trường Thạnh và phường Long Phước thành phường mới có tên gọi là phường Long Phước.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phú Hữu và phường Long Trường thành phường mới có tên gọi là phường Long Trường.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thạnh Mỹ Lợi và phường Cát Lái thành phường mới có tên gọi là phường Cát Lái.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Bình Trưng Đông, phường Bình Trưng Tây và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Phú (thành phố Thủ Đức) thành phường mới có tên gọi là phường Bình Trưng.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Phước Bình, Phước Long A và Phước Long B thành phường mới có tên gọi là phường Phước Long.

    + Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền, An Khánh và phần còn lại của phường An Phú (thành phố Thủ Đức) sau khi sắp xếp theo thành phường mới có tên gọi là phường An Khánh.

    Như vậy, sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành 12 phường như trên theo Nghị quyết 1685.

    Sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường nào theo Nghị quyết 1685?Sau sáp nhập, Thành phố Thủ Đức đổi thành các phường nào theo Nghị quyết 1685? (Hình từ Internet)

    Quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bao gồm các nội dung nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 về quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

    - Xác định yêu cầu, nội dung theo quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt;

    - Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội, dân số, lao động, sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, môi trường;

    - Xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất và tiền đề phát triển; dự báo, xác định chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của quy hoạch theo các giai đoạn phát triển;

    - Xác định cấu trúc, phạm vi ranh giới và định hướng phát triển không gian đô thị và nông thôn; định hướng hệ thống trung tâm đô thị; thiết kế đô thị và yêu cầu đối với các khu vực cần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống;

    - Xác định các khu vực theo yêu cầu quản lý, phát triển; định hướng kiến trúc cảnh quan đô thị; xác định quy mô sử dụng đất quy hoạch cho các chức năng theo từng giai đoạn, trong đó có nhu cầu sử dụng đất phát triển nhà ở, nhà ở xã hội;

    - Định hướng quy hoạch không gian ngầm đối với đô thị loại III trở lên và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung; yêu cầu về bảo vệ môi trường;

    - Xác định kế hoạch thực hiện theo các giai đoạn phát triển phù hợp với thời kỳ quy hoạch tỉnh.

    Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:

    - Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

    - Cố ý công bố, cung cấp sai hoặc không công bố, không cung cấp thông tin quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của Luật này; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.

    - Phá hoại, cố ý làm sai lệch mốc quy hoạch đô thị và nông thôn.

    - Tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn không đúng quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.

    Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

    saved-content
    unsaved-content
    80