Sau sáp nhập, 4 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương
Nội dung chính
Sau sáp nhập, 4 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương
Trước khi có định hướng sáp nhập tỉnh, thành và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, thì định hướng đến 2030 sẽ có 8 tỉnh nữa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tại Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 là: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương.
Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành Thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ ngày 01/01/2025.
Đến nay, theo định hướng sáp nhập một số tỉnh thành tại Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 và Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025, thì:
(1) Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương định hướng sẽ sáp nhập với Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Hải Dương định hướng sáp nhập với Thành phố Hải Phòng, lấy tên là Thành phố Hải Phòng.
(3) Quảng Ninh không thuộc diện sáp nhập tỉnh, thành.
(4) Các tỉnh Khánh Hòa (sáp nhập với Ninh Thuận), Bắc Ninh (sáp nhập với Bắc Giang), Ninh Bình (sáp nhập với Hà Nam, Nam Định) sau sáp nhập vẫn sẽ có tên là Khánh Hòa, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Dựa vào nội dung trên đây, có 8 tỉnh định hướng lên thành phố Trực thuộc Trung ương đến 2030. Trong đó đã có Thành phố Huế chính thức lên thành phố trực thuộc Trung ương; 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Hải Dương sẽ sáp nhập vào các thành phố trực thuộc Trung ương trước đó; chỉ còn 4 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Ninh Bình định hướng tiếp tục lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy, sau sáp nhập tỉnh, thành: 4 tỉnh (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Ninh Bình) sẽ tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau sáp nhập, 4 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn để lên thành phố trực thuộc Trung ương là gì?
Căn cứ vào Điều 4 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 quy định về tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
(1) Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên.
(2) Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
(3) Đơn vị hành chính trực thuộc:
- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên;
-Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.
(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15.
Lưu ý:
Đối với tiêu chuẩn (3) có thể sẽ được bãi bỏ hoặc thay thế trong thời gian tới do quá trình thực hiện xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, sẽ bỏ cấp huyện.
Sau sáp nhập sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương?
Ngày 12 tháng 4 năm 2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, trong đó, cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã.
Thông qua một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau:
- Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: (1) Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. (2) Đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Chính phủ (Danh sách chi tiết kèm theo). (3) Đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Căn cứ Danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh được ban hành kèm theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, thì dự kiến 6 thành phố trực thuộc trung ương sau sáp nhập tỉnh thành 2025 như sau:
STT | Tên thành phố | Chú thích |
1 | Thành phố Hà Nội | Không thuộc diện sáp nhập |
2 | Thành phố Huế | Không thuộc diện sáp nhập |
3 | Thành phố Hải Phòng | Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng |
4 | Thành phố Đà Nẵng | Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng |
5 | Thành phố Hồ Chí Minh | Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh |
6 | Thành phố cần Thơ | Hợp nhất thành phố cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang |