Sau khi bị cưỡng chế kê biên tài sản thì tài sản được xử lý thế nào theo quy định hiện nay?

Doanh nghiệp bị cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án. Sau khi kết thúc, quy trình tài sản bị cưỡng chế sẽ được giải quyết như thế nào theo quy định của Luật thi hành án dân sự hiện hành. 

Nội dung chính

    Theo Khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì kê biên tài sản là một biện pháp cưỡng chế thi hành án.

    - Sau khi kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành xác định giá trị của tài sản kê biên nhằm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án (THA). Việc xác định giá trị tài sản kê biên có thể được tiến hành theo sự thỏa thuận của các đương sự thông qua tổ chức thẩm định giá hoặc do chấp hành viên tự xác định.

    Căn cứ quy định tại Điều 98 và Điều 99 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì việc định giá tài sản kê biên được tiến hành như sau:

    + Trường hợp nếu ngay sau khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản thì chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Nếu thỏa thuận được về tổ chức thẩm định giá thì chấp hành viên phải ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đó.

    + Trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá và việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ và việc thi hành án do cơ quan thi hành án chủ động thì chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong thời hạn 05 ngày.

    - Sau khi định giá tài sản, tiến hành giao tài sản kê biên cho người thi hành án trong 2 trường hợp sau đây (Căn cứ vào Điều 100 và Điều 104 Luật Thi hành án dân sự 2008):

    + Trường hợp đương sự thỏa thuận: hai bên thỏa thuận để người được THA nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được THA thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận trong thời hạn không quá 05 ngày. Trường hợp có nhiều người được THA thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được THA khác, phải thanh toán lại cho những người được THA khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị họ được hưởng.

    + Trường hợp bán đấu giá tài sản: Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền THA. Trường hợp người được THA đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải THA biết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được thông báo về việc người được THA đồng ý nhận tài sản để THA, nếu người phải THA không nộp đủ số tiền THA án và chi phí THA để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được THA.

    - Bán tài sản kê biên để thi hành án được áp dụng trong trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản đã kê biên. Theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự, tùy trường hợp tài sản đã kê biên được bán qua thủ tục bán đấu giá hoặc không qua thủ tục bán đấu giá.

    Tùy từng loại tài sản là động sản hay bất động sản thì chấp hành viên sẽ thực hiện thủ tục bán tài sản khác nhau và được thực hiện theo Điều 101 Luật này.

    - Sau khi đưa ra bán đấu giá nhưng không thể bán được và người thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì áp dụng trả lại tài sản kê biên cho người phải thi hành án.

    + Theo quy định tại Điều 104  Luật Thi hành án dân sự 2008, trong trường hợp người THA không đồng ý nhận tài sản để THA thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA vẫn không nhận để trừ vào số tiền được THA thì tài sản được giao lại cho người phải THA quản lý, sử dụng. Người phải THA không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ THA.

    + Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó.

    Trên đây là cách xử lý tài sản sau khi bị cưỡng chế kê biên thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.

    1