Sát nhập tỉnh là gì? Vì sao phải sáp nhập tỉnh thành?
Nội dung chính
Sát nhập tỉnh là gì? Vì sao phải sáp nhập tỉnh thành?
(1) Sát nhập tỉnh là gì?
Cách viết đúng phải là "sáp nhập tỉnh" chứ không phải "sát nhập tỉnh".
"Sáp nhập tỉnh" có nghĩa là gộp chung, hợp nhất hai hay nhiều đơn vị hành chính thành một.
"Sát nhập tỉnh" là cách viết sai, không có trong từ điển tiếng Việt.
Sáp nhập tỉnh là quá trình hợp nhất hai hoặc nhiều tỉnh thành một đơn vị hành chính mới, nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng nguồn lực hợp lý hơn.
Ví dụ về sáp nhập tỉnh ở Việt Nam:
- Năm 1976: Hợp nhất nhiều tỉnh nhỏ thành các tỉnh lớn như Bình Trị Thiên (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên), Hà Sơn Bình (gồm Hà Tây và Hòa Bình), Nghệ Tĩnh (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh),...
- Năm 1991: Một số tỉnh lớn được tách lại như Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế,...
- Hiện nay: Việt Nam đang xem xét sáp nhập một số tỉnh để tinh gọn bộ máy hành chính.
(2) Vì sao phải sáp nhập tỉnh thành?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục I Kết luận 127-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị và Ban Bí thư có nêu mục đích sáp nhập tỉnh thành năm 2025 như sau:
I- MỤC TIÊU, YÊU CẦU
...
2. Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc nghiên cứu phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
...
Theo đó, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và không tổ chức cấp huyện, đồng thời sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, nhằm mục tiêu xây dựng mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
Quá trình nghiên cứu và triển khai việc sáp nhập tỉnh phải được tiến hành một cách khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mục đích là khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tránh chia cắt về địa bàn và loại bỏ các tổ chức trung gian cồng kềnh. Đồng thời, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Sát nhập tỉnh là gì? Vì sao phải sáp nhập tỉnh thành? (Hình từ Internet)
Lộ trình thực hiện sáp nhập tỉnh năm 2025 ra sao?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục II Kết luận 127-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nêu rõ thông tin sáp nhập tỉnh năm 2025 như sau:
NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã
...
- Đảng ủy Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ cụ thể như sau:
+ Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
...
Như vậy, lộ trình thực hiện sáp nhập tỉnh năm 2025 cụ thể như sau:
- Trước ngày 09/3/2025: Báo cáo Bộ Chính trị để xin chủ trương.
- Trước ngày 12/3/2025: Hoàn thiện đề án, xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng.
- Trước ngày 27/3/2025: Tiếp thu góp ý, hoàn chỉnh đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Trước ngày 07/4/2025: Hoàn thiện đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đơn vị hành chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Căn cứ Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định như sau:
Đơn vị hành chính
1. Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
a) Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
b) Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
c) Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
d) Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
2. Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo (sau đây gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định như trên.