Quyền và nghĩa vụ của người mua nhà ở xã hội được quy định như thế nào? Giá bán của nhà ở xã hội được quy định ra sao?
Nội dung chính
Quyền và nghĩa vụ của người mua nhà ở xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã quy định quyền và nghĩa vụ đối với bên mua, nhà ở xã hội được thực hiện theo pháp luật về dân sự, pháp luật về nhà ở và được ghi rõ trong Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội, bao gồm các nội dung sau:
- Được quyền chấm dứt Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội theo thỏa thuận trong Hợp đồng đã ký kết;
- Phải thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội đã ký kết và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trong trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư;
- Bên mua phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các hành vi vi phạm và giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến việc mua bán nhà ở xã hội và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của người mua nhà ở xã hội được quy định như thế nào? Giá bán của nhà ở xã hội được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục bán lại nhà ở xã hội trong thời hạn 5 năm được quy định ra sao?
Tại điểm đ khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
1. Việc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:
...
đ) Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua nhà ở xã hội đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;
...
Theo đó, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua nhà ở xã hội đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trình tự, thủ tục bán lại nhà ở xã hội trong thời hạn 5 năm được thực hiện theo Điều 39 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án thì người bán lại phải thực hiện thủ tục thanh lý Hợp đồng với chủ đầu tư. Việc bán lại thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 và quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai.
- Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho đối tượng khác thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo Điều 39 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:
+ Người mua lại nhà ở xã hội phải có các giấy tờ xác nhận về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an và nộp hồ sơ đến Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để xác định đúng đối tượng, điều kiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP;
+ Người bán lại phải làm thủ tục thanh lý Hợp đồng với chủ đầu tư dự án (nếu có). Việc bán lại thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 và quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai.
Giá bán của nhà ở xã hội được đầu tư không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn được quy định như thế nào?
Theo Điều 87 Luật Nhà ở 2023, giá bán nhà ở xã hội được đầu tư không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn được xác định như sau:
+ Tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện (nếu có) trong phạm vi dự án, trừ trường hợp thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt; lãi vay (nếu có); các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; lợi nhuận định mức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023;
+ Không được tính các khoản ưu đãi quy định tại các điểm a, b, đ, g và h khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định tại Điều 152 Luật Nhà ở 2023.