Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu gì?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu gì? Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm?

Nội dung chính

    Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu gì?

    Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:

    Điều 5. Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ
    [...]
    2. Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:
    a) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ;
    b) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định sơ bộ quy mô của cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định các điểm giao cắt chính; phương án kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch; giải pháp thực hiện quy hoạch;
    c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    3. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
    Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai.
    [...]

    Như vậy, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường qua từng địa phương, vùng.

    - Xác định sơ bộ quy mô cầu, hầm, bến phà trên tuyến.

    - Xác định các điểm giao cắt chính.

    - Đề xuất phương án kết nối với các phương thức vận tải khác, hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.

    - Xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện và giải pháp thực hiện quy hoạch.

    Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu gì?

    Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu gì? (Hình từ Internet)

    Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm?

    Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:

    Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
    1. Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.
    2. Đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
    3. Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
    4. Lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo hiệu đường bộ.
    5. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép.
    6. Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.

    Theo đó, hành vi phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ hoặc khai thác, sử dụng trái quy định là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

    Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:

    Điều 36. Quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ
    1. Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm hiệu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và tuân thủ quy định của pháp luật.
    2. Nội dung quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:
    a) Tiếp nhận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, hồ sơ hoàn thành công trình sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng; lập, bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ;
    b) Tổ chức giao thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này;
    c) Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý, sử dụng đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;
    d) Quản lý, vận hành, khai thác hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, công trình kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thu phí và các thiết bị gắn vào kết cấu hạ tầng đường bộ;
    đ) Thu thập, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ;
    e) Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật này;
    g) Thực hiện các công việc khác theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, việc quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ cần đảm bảo:

    - Hiệu quả trong tổ chức và sử dụng nguồn lực.

    - Giao thông thông suốt - không gây tắc nghẽn, gián đoạn.

    - An toàn giao thông - đảm bảo tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.

    - Tuân thủ pháp luật - đúng quy trình, quy định hiện hành.

    saved-content
    unsaved-content
    38