Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng năm 2025
Nội dung chính
Hành nghề hoạt động xây dựng có bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng?
Căn cứ khoản 1 Điều 73 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập theo quy định.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi diểm a khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định về những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Xây dựng 2014 bao gồm:
- Giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng;
- Chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
- Tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III
Lưu ý: Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 73 Nghị định 175/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ các chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng được nêu ở phía trên không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:
- Thiết kế, thẩm tra thiết kế sơ bộ được lập trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
- Thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;
- Thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; trám, vá vết nứt mặt đường; giám sát thi công nội thất công trình;
- Các hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014; công viên cây xanh; công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này.
Đồng thời, ở khoản 2 Điều 73 Nghị định 175/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng hoặc ở nước ngoài nhưng thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng tại Việt Nam thì văn bằng đào tạo, giấy phép năng lực hành nghề phải được hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam để được công nhận hành nghề.
Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 77 Nghị định 175/2024/NĐ-CP.
Lưu ý: Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề chỉ được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và không được đảm nhận chức danh theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
Theo như nội dung đã phân tích phía trên, hành nghề hoạt động xây dựng chỉ bắt buộc có chứng chỉ hành nghề đối với những cá nhân đảm nhận các chức danh như giám đốc quản lý dự án, chủ nhiệm thiết kế, tư vấn giám sát thi công,...
Vậy, có thể kết luận rằng không phải tất cả các cá nhân hành nghề xây dựng đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề, mà chỉ những cá nhân thực hiện các chức danh hoặc nhiệm vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn công trình theo quy định của pháp luật.
Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng năm 2025 (Hình từ Internet)
Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho lĩnh vực nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 74 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định cá nhân phải có đủ điều kiện năng lực như đã phân tích ở nội dung trước khi đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập các lĩnh vực sau:
(1) Khảo sát xây dựng gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình;
(2) Thiết kế quy hoạch xây dựng;
(3) Thiết kế xây dựng gồm: Thiết kế kiến trúc công trình (thực hiện theo quy định của Luật Kiến trúc 2019); thiết kế xây dựng công trình; thiết kế cơ – điện công trình;
(4) Giám sát thi công xây dựng gồm: Giám sát công tác xây dựng công trình; giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;
(5) Định giá xây dựng;
(6) Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Ai có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì việc cấp chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền như sau:
- Phân cấp thẩm quyền cấp chứng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I theo quy định tại khoản 3 Điều 149 Luật Xây dựng 2014 cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp tiếp cho Sở Xây dựng địa phương thực hiện công tác này theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015;
- Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III và hạng I khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp;
- Tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 92 Nghị định 175/2024/NĐ-CP có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên của hội viên của mình đã được kết nạp trước thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tối thiểu 03 tháng.