Quan điểm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 69 là gì?

Quan điểm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 69 là gì?

Nội dung chính

    Quan điểm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 69 là gì?

    Căn cứ tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa" (gọi tắt là Đề án) với các quan điểm như sau:

    Một là, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong tổ chức thực hiện.

    Hai là, Đề án phải đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; hiện đại hóa công tác quản lý dịch vụ công về đất đai; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin thống nhất; có chế tài cụ thể, đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại các cơ quan Nhà nước.

    Ba là, tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất, nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất, phục vụ tốt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    Quan điểm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 69 là gì?

    Quan điểm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định 69 là gì? (Hình từ Internet) 

    Mục tiêu Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa

    Căn cứ điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về mục tiêu của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa như sau:

    (1) Mục tiêu tổng quát

    Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển, vận hành hệ thống thông tin đất đai, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; phục vụ hiệu quả hoạt động đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý, giám sát các dự án, công trình có sử dụng đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai, giá đất; làm nền tảng cho việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử và phục vụ nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên của tổ chức, người dân, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

    (2) Mục tiêu cụ thể

    - Đến hết năm 2024:

    + Hoàn thành khảo sát, đánh giá hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Đầu tư, nâng cấp phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng phần mềm theo dõi thông tin, dữ liệu về các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    + Hoàn thành đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính 41/131 đơn vị cấp xã chưa có bản đồ địa chính, đo đạc lại do dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp (tương đương khoảng 31,3% khối lượng Đề án).

    + Hoàn thành chỉnh lý bản đồ địa chính 65/296 đơn vị cấp xã (tương đương khoảng 22% khối lượng Đề án).

    + Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 96/388 đơn vị cấp xã (tương đương khoảng 24,7% khối lượng Đề án).

    - Đến hết năm 2025:

    + Hoàn thành đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính 78/131 đơn vị cấp xã chưa có bản đồ địa chính, đo đạc lại do dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp (tương đương khoảng 59,5% khối lượng Đề án).

    + Hoàn thành chỉnh lý bản đồ địa chính 129/296 đơn vị cấp xã (tương đương khoảng 43,6% khối lượng Đề án).

    + Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 169/388 đơn vị cấp xã (tương đương khoảng 43,6% khối lượng Đề án).

    + Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại các huyện Triệu Sơn, Yên Định, Hà Trung.

    + Hoàn thành cập nhật thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    - Đến năm 2028:

    + Hoàn thành 100% khối lượng đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của cấp xã trên địa bàn tỉnh.

    + Hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    + Xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất đối với các thửa đất, khu vực đã được xác định giá tại các huyện, thị xã, thành phố.

    + Quản lý, vận hành và kết nối cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

    Nhu cầu vốn dự kiến để thực hiện Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa là bao nhiêu?

    Dự kiến nhu cầu vốn được quy định tại điểm 5.1 khoản 5 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì tổng dự toán nhu cầu vốn thực hiện Đề án dự kiến khoảng 716.627 triệu đồng (Bằng chữ: Bảy trăm mười sáu tỷ, sáu trăm hai bảy triệu đồng).

    Trong đó, phân kỳ đầu tư theo từng năm như sau:

    - Năm 2024 dự kiến khoảng 179.587 triệu đồng.

    - Năm 2025 dự kiến khoảng 158.935 triệu đồng.

    - Năm 2026-2028 dự kiến khoảng 378.105 triệu đồng (Bình quân khoảng 126.035 triệu đồng/năm).

    8