Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được áp dụng nguyên tắc nào?

Nguyên tắc áp dụng phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được áp dụng nguyên tắc nào?

    Nguyên tắc áp dụng phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:

    a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
    b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
    Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.
    Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2015, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng, phải nộp thuế thu nhập cá nhân tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2015 là 90 triệu đồng.
    Ví dụ 2: Bà B đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp của cả năm 2015. Đến tháng 10 năm 2015 Bà B ngừng/nghỉ kinh doanh thì Bà B được giảm thuế khoán tương ứng với 03 tháng cuối năm 2015.
    c) Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
    Ví dụ 3: Hộ gia đình C được thành lập bởi một nhóm gồm 04 cá nhân. Năm 2015 Hộ gia đình C có doanh thu kinh doanh là 180 triệu đồng (>100 triệu đồng) thì Hộ gia đình C thuộc diện phải nộp thuế giá trị giá tăng và thuế thu nhập cá nhân trên tổng doanh thu là 180 triệu đồng.
    d) Cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.

    Trên đây là nội dung quy định về nguyên tắc áp dụng phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.

    11