Phê duyệt dự án xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Phê duyệt dự án xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 175/2024/NĐ-CP phê duyệt dự án xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở như sau:
Điều 6. Nguyên tắc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Khách quan, minh bạch về trình tự, thủ tục, hồ sơ, kết quả thẩm định và tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính trong quá trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
2. Việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt dự án được thực hiện với toàn bộ dự án, từng dự án thành phần, hoặc theo giai đoạn thực hiện đối với một hoặc một số công trình của dự án (theo phân kỳ đầu tư) bảo đảm các yêu cầu nêu tại quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quy định của pháp luật có liên quan.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện đối với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc từng phần của công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và các cơ sở tính toán giữa các giai đoạn và với thiết kế cơ sở được thẩm định, phê duyệt.
4. Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đúng thẩm quyền hoặc theo ủy quyền sau khi dự án, thiết kế xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện và được cơ quan chủ trì thẩm định tổng hợp, trình phê duyệt theo quy định.
[...]
Như vậy, đối với việc phê duyệt dự án xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ dự án, từng dự án thành phần, hoặc theo giai đoạn thực hiện đối với một hoặc một số công trình của dự án (theo phân kỳ đầu tư).
Bảo đảm các yêu cầu nêu tại quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quy định của pháp luật có liên quan.
Phê duyệt dự án xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở là gì?
Căn cứ Điều 80 Luật Xây dựng 2014 về nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở quy định như sau:
Điều 80. Nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Phương án kiến trúc.
2. Phương án công nghệ (nếu có).
3. Công năng sử dụng.
4. Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì công trình.
5. Phương án kết cấu, loại vật liệu chủ yếu.
6. Chỉ dẫn kỹ thuật.
7. Phương án phòng, chống cháy, nổ.
8. Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
9. Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
10. Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng.
Theo đó, nội dung chính của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm nhiều phần chi tiết nhằm hoàn thiện, cụ thể hóa và chuẩn bị cho việc thực hiện xây dựng, bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ các quy định về môi trường, kỹ thuật, và sử dụng tài nguyên. Các nội dung chủ yếu bao gồm:
- Phương án kiến trúc: Thiết kế chi tiết các phần kiến trúc của công trình, như hình thức, màu sắc, chất liệu, và phong cách phù hợp với yêu cầu ban đầu.
- Phương án công nghệ (nếu có): Đối với các công trình có yêu cầu đặc biệt về công nghệ, thiết kế sẽ bao gồm các giải pháp và hệ thống công nghệ cần thiết.
- Công năng sử dụng: Xác định rõ các khu vực chức năng, diện tích và các yếu tố khác để bảo đảm công trình đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
- Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì: Đưa ra thời gian dự kiến sử dụng và các yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng nhằm duy trì hiệu quả và độ bền công trình.
- Phương án kết cấu và loại vật liệu chủ yếu: Đảm bảo an toàn, độ bền vững và phù hợp với môi trường thông qua việc lựa chọn kết cấu và vật liệu chính yếu.
- Chỉ dẫn kỹ thuật: Đưa ra các hướng dẫn về kỹ thuật để bảo đảm quá trình thi công và hoàn thiện đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
- Phương án phòng, chống cháy, nổ: Đưa ra các giải pháp an toàn để bảo vệ công trình và người sử dụng trước các nguy cơ cháy, nổ.
- Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Đề xuất các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa chi phí vận hành.
- Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: Đảm bảo công trình không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng: Đưa ra chi phí xây dựng phù hợp với các hạng mục thiết kế, giúp quản lý chi phí và nguồn lực.
Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm những gì?
Căn cứ khoản 4 Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:
Điều 78. Quy định chung về thiết kế xây dựng
[...]
3. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
4. Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.
5. Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.
6. Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng.
Như vậy, hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm:
- Thuyết minh thiết kế
- Bản vẽ thiết kế
- Tài liệu khảo sát xây dựng liên quan
- Dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.