Phần mềm ứng dụng Online Banking là gì? Yêu cầu đặt ra khi kiểm soát mã nguồn phần mềm ứng dụng Online Banking từ 01/01/2025?
Nội dung chính
Phần mềm ứng dụng Online Banking là gì?
Căn cứ Khoản 3 Điều 2 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Giải thích từ ngữ và thuật ngữ
...
3. Phần mềm ứng dụng Online Banking là phần mềm ứng dụng cao cấp dịch vụ Online Banking.
...
Như vậy, theo quy định pháp luật, phần mềm ứng dụng Online Banking là phần mềm ứng dụng cao cấp hỗ trợ dịch vụ ngân hàng trực tuyến Online Banking.
Phần mềm ứng dụng Online Banking là gì? Yêu cầu đặt ra khi kiểm soát mã nguồn phần mềm ứng dụng Online Banking từ 01/01/2025? (Hình từ internet)
Yêu cầu đặt ra khi kiểm soát mã nguồn phần mềm ứng dụng Online Banking là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Phần mềm ứng dụng Online Banking
...
2. Đơn vị phải kiểm soát mã nguồn phần mềm với các yêu cầu tối thiểu:
a) Đối với mã nguồn phần mềm do đơn vị tự phát triển:
(i) Định kỳ hoặc khi có thay đổi phần mềm ứng dụng, đơn vị phải kiểm tra mã nguồn nhằm loại trừ các đoạn mã độc hại, các lỗ hổng bảo mật. Nhân sự thực hiện kiểm tra phải độc lập với nhân sự phát triển mã nguồn phần mềm;
(ii) Chỉ định cụ thể các cá nhân chịu trách nhiệm quản lý mã nguồn của phần mềm ứng dụng Online Banking;
(iii) Mã nguồn phải được lưu trữ an toàn tại ít nhất hai địa điểm tách biệt về địa lý và có biện pháp bảo vệ tính toàn vẹn của mã nguồn.
b) Trường hợp mã nguồn phần mềm thuê ngoài gia công (outsourced software):
(i) Đơn vị phải yêu cầu bên cung cấp ký cam kết mã nguồn phần mềm là hợp pháp, không giả mạo; cam kết thực hiện các thoả thuận về việc chỉnh sửa mã nguồn khi bảo hành, bảo trì phần mềm;
(ii) Trường hợp được bàn giao mã nguồn, trước khi nghiệm thu bàn giao mã nguồn phần mềm, đơn vị yêu cầu bên cung cấp phải kiểm tra, xử lý, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong mã nguồn. Sau khi mã nguồn được bàn giao, đơn vị thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;
(iii) Trường hợp không được bàn giao mã nguồn, khi ký nghiệm thu sản phẩm, đơn vị phải yêu cầu bên cung cấp thực hiện dò quét, loại bỏ các đoạn mã độc hại và ký cam kết không có các đoạn mã độc hại trong phần mềm ứng dụng.
...
Như vậy, theo quy định yêu cầu đặt ra khi kiểm soát mã nguồn phần mềm ứng dụng Online Banking là:
- Đối với mã nguồn phần mềm tự phát triển:
(1) Đơn vị phải kiểm tra mã nguồn định kỳ hoặc khi thay đổi để phát hiện mã độc và lỗ hổng bảo mật, với nhân sự kiểm tra độc lập.
(2) Chỉ định người chịu trách nhiệm quản lý mã nguồn phần mềm ứng dụng Online Banking.
(3) Mã nguồn phải được lưu trữ an toàn tại hai địa điểm khác nhau và bảo vệ tính toàn vẹn.
- Đối với mã nguồn phần mềm thuê ngoài gia công:
(1) Đơn vị yêu cầu bên cung cấp cam kết mã nguồn hợp pháp và thực hiện chỉnh sửa khi bảo hành, bảo trì.
(2) Nếu được bàn giao mã nguồn, bên cung cấp phải kiểm tra và khắc phục lỗ hổng bảo mật trước khi nghiệm thu.
(3) Nếu không bàn giao mã nguồn, bên cung cấp phải dò quét và cam kết không có mã độc trong phần mềm khi ký nghiệm thu.
Yêu cầu cần đáp ứng khi thực hiện quản lý thay đổi phiên bản phần mềm ứng dụng Online Banking?
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về các yêu cầu cần đạt khi đơn vị thực hiện quản lý thay đổi phiên bản phần mềm ứng dụng Online Banking như sau:
Phần mềm ứng dụng Online banking
...
5. Đơn vị thực hiện quản lý thay đổi phiên bản phần mềm ứng dụng Online Banking đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Xây dựng tài liệu phân tích đánh giá tác động của việc thay đổi đối với hệ thống hiện tại, các hệ thống có liên quan khác của đơn vị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện;
b) Các phiên bản phần mềm bao gồm cả mã nguồn do đơn vị tự phát triển hoặc do bên cung cấp bàn giao cần được quản lý tập trung, lưu trữ, bảo mật và có cơ chế phân quyền cho từng thành viên, ghi nhật ký trong việc thao tác với các tập tin;
c) Thông tin về các phiên bản (thời gian cập nhật, người cập nhật, hướng dẫn cập nhật và các thông tin liên quan khác của phiên bản) phải được lưu trữ;
d) Việc nâng cấp phiên bản phải căn cứ trên kết quả thử nghiệm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
...
Như vậy, theo quy định yêu cầu cần đáp ứng khi thực hiện quản lý thay đổi phiên bản phần mềm ứng dụng Online Banking là:
- Xây dựng và phê duyệt tài liệu đánh giá tác động của thay đổi đối với hệ thống hiện tại và các hệ thống liên quan trước khi thực hiện;
- Quản lý tập trung các phiên bản phần mềm, bao gồm mã nguồn, với cơ chế lưu trữ, bảo mật và phân quyền truy cập cho các thành viên, ghi nhật ký thao tác;
- Lưu trữ thông tin về các phiên bản phần mềm, bao gồm thời gian cập nhật, người cập nhật và hướng dẫn cập nhật và các thông tin liên quan khác của phiên bản;
- Nâng cấp phiên bản phải dựa trên kết quả thử nghiệm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư 50/2024/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2025 trừ trường hợp tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 22 Thông tư 50/2024/TT-NHNN.