Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát

UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ gì trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát?

Nội dung chính

    Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát

    Thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở cũng như xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người.

    Ngày 09/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2024 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.

    (1) Thông qua Chỉ thị, Thủ tướng đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ:

    Thứ nhất, hỗ trợ nhà ở cho người có công;

    Thứ hai, hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia;

    Thứ ba, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.

    (2) Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề ra các định hướng để hoàn thiện mục tiêu là:

    Thứ nhất, quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ"; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.

    Thứ hai, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình.

    Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

    Thứ ba, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp.

    Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

    Thứ tư, đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.

    Trung ương dành nguồn vốn ngân sách theo các Chương trình, đề án, tiết kiệm chi,… hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

    Các Bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

    Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

    Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát

    Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát (Hình từ Internet)

    UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ gì trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát?

    Theo Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2024, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các nhiệm vụ trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát như:

    - Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ngành, cơ quan liên quan, hoàn thành trong tháng 11/2024.

    - Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình:

    + Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng;

    + Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân;

    + Trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước

    - Đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp giữa các Chương trình, các hoạt động hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan liên quan tập trung, ưu tiên tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt trong cả nước việc hỗ trợ nhà ở cho người có công.

    - Đẩy mạnh tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025".

    38