Nội dung trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trong Công an nhân dân quy định cụ thể ở đâu?
Nội dung chính
Nội dung trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trong Công an nhân dân quy định cụ thể ở đâu?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 65/2011/TT-BCA thì nội dung trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trong Công an nhân dân được quy định cụ thể như sau:
1. Nội dung thuyết minh của dự án đầu tư xây dựng công trình gồm:
- Tên công trình;
- Tư vấn lập dự án;
- Địa điểm xây dựng;
- Diện tích sử dụng đất;
- Căn cứ pháp lý: Quyết định về quy mô, ấn định biên chế tổ chức …; chứng chỉ quy hoạch, chứng nhận về quyền sử dụng đất (nếu có) …; ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp (nếu có); các văn bản khác có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng (nếu có).
- Sự cần thiết và chủ trương đầu tư xây dựng công trình (nêu ngắn gọn chủ trương đầu tư công trình được đồng ý tại văn bản nào);
- Quy mô và mục tiêu đầu tư xây dựng công trình (tùy theo tính chất sử dụng của công trình để nêu cụ thể);
- Hình thức đầu tư: Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng;
- Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Quy mô và diện tích xây dựng công trình: Tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân hoặc các tiêu chuẩn khác (nếu có);
- Các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình:
+ Nêu đầy đủ các hạng mục công trình thuộc dự án; trong đó, thể hiện rõ số lượng, số tầng cao, cấp công trình, diện tích sử dụng chính, diện tích sàn hoặc xây dựng của hạng mục cần xây dựng; kết cấu chính; m2 của hạng mục cổng tường rào; m3 cát hoặc đất của hạng mục san lấp; m2 sân đường nội bộ …. Đối với các công trình cải tạo, mở rộng, phải nêu đầy đủ hiện trạng, nội dung, diện tích cần điều chỉnh bổ sung;
+ Nêu phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có);
- Đánh giá tác động môi trường, giải pháp phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu về an ninh, quốc phòng;
- Tổng mức đầu tư xây dựng công trình:
+ Căn cứ xác định: Thiết kế cơ sở bao gồm cả thiết kế công nghệ (nếu có); chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; yếu tố trượt giá theo thời gian xây dựng công trình; chỉ số giá xây dựng …;
+ Căn cứ xác định giá trị các chi phí của tổng mức bao gồm: Giá trị chi phí xây dựng; giá trị chi phí thiết bị; giá trị chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giá trị chi phí quản lý dự án; giá trị chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; giá trị chi phí khác; giá trị chi phí dự phòng;
+ Tổng mức đầu tư xây dựng công trình gồm: Chi phí xây dựng (GXD); chi phí trang thiết bị (GTB); chi phí quản lý dự án (GQLDA); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (GTV); chi phí khác (GK); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (GĐB); chi phí dự phòng (GDP): 10% cho dự án nhóm C, 15% cho dự án nhóm A, B (tỷ lệ % có thể thay đổi trên cơ sở độ dài thời gian xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng hàng năm phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến khả năng biến động giá trong nước và quốc tế).
Tổng mức đầu tư (GXD+GTB+GQLDA+GTV+GK+GĐB+GDP).
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình: Vốn ngân sách nhà nước do Bộ Công an cấp; vốn hỗ trợ của ngân sách địa phương (nếu có); vốn trích từ các nguồn khác (nếu có); vốn chuyển đổi tài sản nhà và đất (nếu có);
- Phân đoạn thực hiện dự án xây dựng công trình: Căn cứ vào tổng mức đầu tư và quy mô của dự án, chủ đầu tư đề nghị kế hoạch cấp vốn hàng năm cho từng giai đoạn của dự án để phân đoạn thực hiện (Phân kỳ đầu tư) cho phù hợp. Phân đoạn thực hiện theo thứ tự từ giai đoạn I đến giai đoạn cuối cùng;
- Kết luận và kiến nghị.
2. Nội dung thiết kế cơ sở của dự án gồm:
- Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ (nếu có) và phương án kiến trúc, kết cấu công trình. Trong đó, cần giới thiệu tóm tắt về địa điểm xây dựng, tổng mặt bằng công trình, vị trí, quy mô xây dựng các hạng mục công trình, việc kết nối các hạng mục công trình thuộc dự án với hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
- Nội dung thuyết minh thiết kế cơ sở đối với hạng mục công trình là nhà:
+ Giải pháp kiến trúc: Nêu rõ kết cấu nhà, diện tích sử dụng, diện tích sàn (đối với nhà 1 tầng), kích thước bước gian chính, diện tích hành lang bên hoặc giữa, logia (nếu có), kết cấu cầu thang bộ, cầu thang máy (nếu có). Đối với nhà cao 2 tầng trở lên, mỗi tầng phải thuyết minh về công năng sử dụng của từng tầng (làm việc, ăn, ở, hội họp, vệ sinh, cầu thang …);
+ Giải pháp kết cấu: Nêu rõ kết cấu nền móng là móng nông hay móng sâu. Giải pháp móng sâu (móng cọc ép bê tông cốt thép, cọc nhồi bê tông cốt thép, cọc xi măng cát …); giải pháp móng nông trên nền đất tự nhiên hoặc nền đất yếu phải xử lý (móng xây gạch, móng bằng bê tông cốt thép, móng trụ độc lập bê tông cốt thép …); kết cấu nhà khung bê tông cốt thép chịu lực hay tường xây gạch chịu lực; sàn các tầng bê tông cốt thép, trần (bê tông cốt thép hay trần tấm nhựa, trần thạch cao, trần tôn lạnh …); tường xây gạch bao che; mái dốc, xà gồ thép, lợp tôn chống nóng, chống thấm hay mái dốc bê tông cốt thép dán ngói (hoặc mái bằng xử lý chống nóng, chống thấm);
+ Giải pháp hoàn thiện (trát, lát, láng, sơn, bả, cửa sổ, cửa đi, khuôn cửa …);
+ Giải pháp cấp điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước: nêu rõ giải pháp thiết kế, chủng loại, thiết bị (ngoại nhập, nội địa hay liên doanh).
Việc sử dụng vật liệu cấu thành công trình phải căn cứ nguồn cung cấp thực tế tại địa phương để nêu rõ và đầy đủ chủng loại, chất lượng theo quy định.
- Thuyết minh rõ thiết kế cơ sở về phương án kết cấu đối với một số hạng mục công trình khác có tính đặc trưng như: Tường rào, cổng ngõ; san nền (nếu có); kè chắn đất hoặc cát (nếu có); sân đường nội bộ; cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà; cáp thông tin, cáp mạng máy tính (nếu có); chống sét (nếu có); phòng cháy, chữa cháy (nếu có); chống mối (nếu có); phá dỡ nhà cũ (nếu có); trang thiết bị (nếu có). Các hạng mục có nội dung xây dựng, sử dụng vật liệu cấu thành thì phải nêu cụ thể, đầy đủ chủng loại, chất lượng vật liệu theo quy định (xi măng, gạch máy, cốt thép, bê tông cốt thép, …). Các hạng mục có nội dung lắp đặt, sử dụng vật liệu và thiết bị cấu thành phải nêu rõ tính năng, công suất, thông số kỹ thuật cơ bản, tiêu chuẩn cho phép áp dụng …;
- Giải pháp thiết kế cơ sở cho phép chủ đầu tư được thay đổi trong các bước thiết kế tiếp theo;
- Bản vẽ thiết kế cơ sở bao gồm:
+ Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng công trình;
+ Bản vẽ sơ đồ công nghệ, bản vẽ dây chuyền công nghệ (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
+ Bản vẽ phương án kiến trúc, bản vẽ phương án kết cấu chính đối với tất cả các hạng mục công trình của dự án có yêu cầu kiến trúc, kết cấu;
+ Bản vẽ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của công trình nêu rõ tổng mặt bằng cấp, thoát nước, cấp điện và chiếu sáng, cổng, tường rào, sân, đường nội bộ công trình và các bản vẽ thiết kế kiến trúc, kết cấu chính của các hạng mục này;
+ Bản vẽ kết nối hạ tầng kỹ thuật công trình với hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
Ngoài những quy định chung đối với bản vẽ thiết kế cơ sở (trừ công trình thi tuyển thiết kế kiến trúc quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP) thì quy hoạch tổng mặt bằng công trình ít nhất có từ 02 đến 03 phương án, trong đó có phương án chọn. Bản vẽ phương án kiến trúc bản vẽ phương án kết cấu, bản vẽ hạ tầng kỹ thuật công trình ít nhất có từ 01 đến 02 phương án. Phương án chọn phải được thẩm định theo quy định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!