Nội dung kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm có những nội dung gì?
Nội dung chính
Ban hành Thông tư hướng dẫn về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới áp dụng với các đối tượng nào?
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 44/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024) hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 44/2023/TT-BGTVT là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Lưu ý: Không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Khi nào phải kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới?
Tại Điều 6 Thông tư 44/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024) quy định về kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới như sau:
Kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (sau đây gọi là Cơ quan kiểm tra) căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiến hành kiểm tra đột xuất đối với đơn vị đăng kiểm trong các trường hợp sau:
a) Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định;
b) Có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng;
c) Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).
2. Cơ quan kiểm tra quyết định các nội dung cần kiểm tra và lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tương ứng và tổng hợp vào Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp đơn vị đăng kiểm vi phạm các quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới thì Cơ quan kiểm tra xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Như vậy, việc kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới được thực hiện khi:
- Có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định;
- Có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng;
- Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).
Ban hành Thông tư hướng dẫn về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới? (Hình từ Internet)
Nội dung kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm có những nội dung gì?
Tại Điều 5 Thông tư 44/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024) có quy định nội dung kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm:
- Kiểm tra, đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm: đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới và ghi vào biên bản theo mẫu quy định;
- Kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra: tình trạng hoạt động của thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra; việc thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Đo lường 2011 và ghi vào biên bản theo mẫu quy định;
- Kiểm tra, đánh giá cơ cấu tổ chức, nhân lực: tài liệu thể hiện cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm gồm: sơ đồ tổ chức, quyết định thành lập các bộ phận do Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hoặc Lãnh đạo tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm hoặc do cơ quan quản lý đơn vị đăng kiểm ban hành theo thẩm quyền.
Đối chiếu thông tin của Lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong Danh sách trích ngang nhân lực của đơn vị đăng kiểm so với hồ sơ lưu tại đơn vị. Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào mục 1 của biên bản kiểm tra, đánh giá theo mẫu quy định;
- Kiểm tra việc xây dựng, ban hành quy trình nội bộ của đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 44/2023/TT-BGTVT.
Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào mục 2 của biên bản kiểm tra, đánh giá theo mẫu quy định;
- Kiểm tra, đánh giá hoạt động của dây chuyền kiểm định:
+ Sử dụng phương tiện phù hợp với từng loại dây chuyền để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự hoạt động của dây chuyền kiểm định;
+ Việc sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động kiểm định xe cơ giới;
+ Việc kết nối dữ liệu giữa phần mềm quản lý kiểm định và phần mềm điều khiển thiết bị kiểm tra;
+ Hoạt động của hệ thống giám sát quá trình kiểm định.
Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào mục 2 của biên bản kiểm tra, đánh giá theo mẫu quy định;
- Kiểm tra việc mở các Sổ theo dõi, quản lý theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; theo dõi, quản lý các loại ấn chỉ do Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hành cấp cho các đơn vị đăng kiểm.
Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào mục 1 của biên bản kiểm tra, đánh giá theo mẫu quy định.