Những đối tượng được bồi dưỡng kiến thức dân tộc? Nguyên tắc bồi dưỡng kiến thức dân tộc như thế nào?
Nội dung chính
Bồi dưỡng kiến thức dân tộc bao gồm những đối tượng nào?
Tại Điều 38 Thông tư 02/2022/TT-UBDT quy định bồi dưỡng kiến thức dân tộc gồm những đối tượng:
- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, 3, 4 theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” (sau đây viết tắt là Quyết định số 771/QĐ-TTg) và đối tượng thuộc lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.
- Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 ở cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 771/QĐ-TTg và đối tượng thuộc lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nguyên tắc bồi dưỡng kiến thức dân tộc được quy định như thế nào?
Theo Điều 39 Thông tư 02/2022/TT-UBDT nguyên tắc bồi dưỡng kiến thức dân tộc như sau:
Ngoài các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Thông tư này, việc triển khai thực hiện các nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc còn phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Thực hiện bồi dưỡng kiến thức dân tộc phải bảo đảm nâng cao năng lực, kiến thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, văn hóa dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phù hợp với kế hoạch bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của từng bộ, ngành và địa phương.
Quy định chung về chương trình, tài liệu, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức dân tộc như thế nào?
Tại Điều 41 Thông tư 02/2022/TT-UBDT Chương trình, tài liệu, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức dân tộc như sau:
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an biên soạn, thẩm định, phê duyệt và ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 1, 2, bảo đảm lồng ghép với các chương trình: đào tạo lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng.
- Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan biên soạn, thẩm định, phê duyệt và ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, đối tượng 4.
- Nội dung chương trình, tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế.
- Chứng chỉ bồi dưỡng do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.