Nhờ người khác đi đăng ký biến động đất đai cho mình được không?
Nội dung chính
Nhờ người khác đi đăng ký biến động đất đai cho mình được không?
Thực chất việc nhờ người khác đi đăng ký biến động đất đai cho mình là ủy quyền cho người khác đăng ký biến động đất đai giúp mình.
Căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, trường hợp cần thực hiện các quyền về nhân thân thì không thể ủy quyền.
Đồng thời, tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Có thể thấy, ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Đăng ký biến động đất đai có thể hiểu là thủ tục nhằm ghi nhận và cập nhật những thay đổi trong quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào hệ thống hồ sơ địa chính. Đây là quyền tài sản, không thuộc quyền về nhân thân, nên hoàn toàn có thể ủy quyền.
Cũng theo khoản 4 Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất thì cần có văn bản về việc đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký thông qua người đại diện.
Theo đó, từ các quy định trên thì vẫn có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện công việc này.
Nhờ người khác đi đăng ký biến động đất đai cho mình được không? (Hình từ Internet)
Những thay đổi nào được thực hiện đăng ký biến động đất đai?
Căn cứ khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 có quy định việc đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) khi có những thay đổi như sau:
(1) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất.
(2) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên.
(3) Thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp nêu trên.
(4) Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất.
(5) Đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận.
(6) Chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Đất đai 2024 mà người sử dụng đất có nhu cầu đăng ký biến động.
(7) Thay đổi thời hạn sử dụng đất.
(8) Thay đổi hình thức giao đất, cho thuê đất, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
(9) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
(10) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật.
(11) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề.
(12) Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
(13)Thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm.
(14) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất yêu cầu cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
(15) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
(16) Bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, hiện nay có 16 trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động đất đai như trên.
Vì sao cần đăng ký biến động đất đai? Có thể không đăng ký biến động đất đai được không?
Đăng ký biến động đất đai là thủ tục nhằm ghi nhận và cập nhật những thay đổi trong quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào hệ thống hồ sơ địa chính là định nghĩa tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được thay thế bằng Thông tư 10/2024/TT-BTNMT. Mặc dù khái niệm "đăng ký biến động đất đai" không còn được đề cập rõ ràng trong Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, nhưng về cơ bản, đây vẫn là thủ tục quan trọng giúp xác nhận các thay đổi như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho đất đai hoặc các quyền sử dụng đất khác.
Mục đích của việc đăng ký biến động đất đai là giúp bảo đảm tính chính xác của thông tin quyền sử dụng đất, giúp các bên liên quan có thể tra cứu và xác minh quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, việc đăng ký biến động đất đai giúp việc thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai (chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho) sẽ trở nên minh bạch và hợp pháp. Điều này cũng tránh được tranh chấp và những vấn đề phát sinh trong tương lai.
Theo phân tích phía trên có 16 trường hợp được thực hiện đăng ký biến động đất đai. Nếu không thực hiện đăng ký biến động đất đai một số trường hợp cụ thể thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp không đăng ký đất đai đều bị xử phạt. Chỉ những trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP mới bị phạt.
Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo các trường hợp (1), (2), (9), (10), (11), (12) và (16) đã nêu ở trên.
Như vậy, việc đăng ký biến động đất đai giúp hệ thống quản lý đất đai luôn được cập nhật chính xác, từ đó bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất và hỗ trợ việc quản lý đất đai một cách hiệu quả.