15:02 - 01/11/2024

Nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng?

Nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng, hồ sơ cấp thẻ và nhiệm vụ của nhân viên tiếp cận cộng đồng quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì?

    Ngày 28 tháng 10 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

    Trong đó, tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 141/2024/NĐ-CP có quy định khái niệm về nhân viên tiếp cận cộng đồng như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Nhân viên tiếp cận cộng đồng là người trực tiếp tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và được cấp thẻ theo quy định tại Nghị định này.

    Theo đó, nhân viên tiếp cận cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại và ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

    Người trực tiếp tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp này phải được cấp thẻ nhân viên tiếp thị theo quy định của Nghị định 141/2024/NĐ-CP.

    Nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng? (Ảnh từ Internet)Nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng? (Ảnh từ Internet)

    Hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng gồm những gì?

    Nhân viên tiếp cận cộng đồng phải là người được cấp thẻ theo quy định. Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 141/2024/ND-CP quy định về hồ sơ cấp thẻ như sau:

    Hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng
    1. Hồ sơ đề nghị cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng, gồm:
    a) Đơn đề nghị cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
    b) Giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;
    c) Bản sao văn bản được phép triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn quản lý;
    d) 02 ảnh chân dung cỡ 02 cm x 03 cm, chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng (không áp dụng đối với trường hợp người nộp hồ sơ đã đăng tải ảnh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
    2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng:
    Đơn đề nghị cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và nộp 02 ảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

    Như vậy, để đề nghị cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng, hồ sơ cần bao gồm đơn đề nghị, giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn, văn bản cho phép triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại, và ảnh chân dung mới nhất của người nộp.

    Trong trường hợp cấp lại thẻ, hồ sơ chỉ cần đơn đề nghị và 02 ảnh chân dung.

    Người dưới 18 tuổi có được làm nhân viên tiếp cận cộng đồng không?

    Để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 6 Nghị định 141/2024/NĐ-CP như sau:

    Tiêu chuẩn của nhân viên tiếp cận cộng đồng
    1. Người từ đủ 18 tuổi trở lên;
    2. Tự nguyện tham gia các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
    3. Đã được tập huấn kiến thức về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.

    Theo đó, nhân viên tiếp cận cộng đồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn như trên. Việc đủ 18 tuổi là một trong những tiêu chuẩn để trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng.

    Như vậy, người dưới 18 tuổi không được làm nhân viên tiếp cận cộng đồng.

    Nhiệm vụ của nhân viên tiếp cận cộng đồng là gì?

    Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 141/2024/NĐ-CP như sau:

    Nhiệm vụ của nhân viên tiếp cận cộng đồng
    1. Nhiệm vụ của nhân viên tiếp cận cộng đồng:
    a) Tham gia tuyên truyền về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;
    b) Tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định này.
    2. Nhân viên tiếp cận cộng đồng khi thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được hưởng chế độ phụ cấp và được cung cấp thiết bị, dụng cụ trong quá trình làm việc từ các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không có các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí, căn cứ tình hình dịch HIV/AIDS và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ chi trả phụ cấp đối với nhân viên tiếp cận cộng đồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

    Như vậy, nhân viên tiếp cận cộng đồng có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.

    Họ được hưởng phụ cấp và trang bị các dụng cụ làm việc từ các chương trình, dự án được phê duyệt.

    Trong trường hợp không có nguồn hỗ trợ từ dự án, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định chế độ phụ cấp dựa trên tình hình dịch HIV/AIDS và ngân sách địa phương.

    Nghị định 141/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    66
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ