Nghị định 141/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Số hiệu 141/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/10/2024
Ngày có hiệu lực 15/12/2024
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

CHÍNH PH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 141/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 16 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 23, khoản 3 Điều 28, khoản 4 Điều 39 và khoản 5 Điều 41 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); các khoản 6, 7 và 9 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (sau đây gọi là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) về:

1. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV trừ các biện pháp đã được quy định tại Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (sau đây gọi là Nghị định số 63/2021/NĐ-CP).

2. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

3. Tư vấn và xét nghiệm HIV.

4. Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

5. Danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.

6. Quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV và thuốc thay thế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhân viên tiếp cận cộng đồng là người trực tiếp tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và được cấp thẻ theo quy định tại Nghị định này.

2. Chất dạng thuốc phiện là chất có nguồn gốc tự nhiên, tổng hợp và bán tổng hợp có tác dụng giống thuốc phiện.

3. Người nghiện các chất dạng thuốc phiện là người sử dụng và bị lệ thuộc vào các chất dạng thuốc phiện.

4. Thuốc thay thế là chất hoặc hỗn hợp các chất được tổng hợp có tác dụng thay thế các chất dạng thuốc phiện nằm trong danh mục thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định của pháp luật về dược.

5. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là việc sử dụng thuốc thay thế để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

6. Thuốc kháng HIV là thuốc ức chế sự nhân lên của HIV, được sử dụng để điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV.

7. Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng các kỹ thuật can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm để trợ giúp cá nhân thay đổi nhận thức, hành vi về việc sử dụng ma túy, tiến tới giảm và ngừng sử dụng ma túy.

8. Xét nghiệm khẳng định HIV gồm xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tham chiếu. Xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tham chiếu là một loại xét nghiệm khẳng định HIV dương tính được thực hiện ở trình độ kỹ thuật cao hơn để phân định các trường hợp khó mà cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính không kết luận được kết quả.

9. Cơ sở y tế là cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động và chịu sự quản lý theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế gồm: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.

[...]