Nhà ở không có giấy tờ quyền sử dụng đất trước năm 1993 thì việc bồi thường được thực hiện ra sao?
Nội dung chính
Nhà ở không có giấy tờ quyền sử dụng đất trước năm 1993 thì việc bồi thường được thực hiện ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 88/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
...
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện được bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì việc bồi thường về đất thực hiện theo quy định như sau:
a) Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thu hồi của thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật Đất đai thì được bồi thường bằng hạn mức công nhận đất ở.
Đối với diện tích đất đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống lớn hơn diện tích đất ở được công nhận quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất ở theo diện tích đất thực tế xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống đó sau khi đã trừ tiền sử dụng đất phải nộp như khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất vượt hạn mức tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thu hồi của thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất ở đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi;
c) Trường hợp thu hồi diện tích đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì bồi thường theo diện tích đất thực tế đã sử dụng bị thu hồi; loại đất tính bồi thường được áp dụng như đối với trường hợp đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại của thửa đất không được bồi thường đất ở và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này thì được bồi thường theo loại đất nông nghiệp.
Như vậy, nhà ở không có giấy tờ quyền sử dụng đất trước trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ được bồi thường theo quy định như trên.
Nhà ở không có giấy tờ quyền sử dụng đất trước năm 1993 thì việc bồi thường được thực hiện ra sao? (Hình ảnh từ Internet)
Nhà nước thu hồi đất và phải di chuyển tài sản thì có được bồi thường không?
Căn cứ tại Điều 104 Luật Đất đai 2024 quy định bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất như đất:
Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường tại khoản 1 Điều này.
Theo như quy định trên thì khi Nhà nước thu hồi đất và phải di chuyển tài sản, các đối tượng bị thu hồi đất sẽ được bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt tài sản, bao gồm cả thiệt hại liên quan đến việc di chuyển máy móc, dây chuyền sản xuất.
Khi Nhà nước thu hồi đất người dân sẽ nhận được những hỗ trợ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 108 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
1. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
a) Hỗ trợ ổn định đời sống;
b) Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh;
c) Hỗ trợ di dời vật nuôi;
d) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;
đ) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 của Luật này;
e) Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại khoản 3 Điều 105 của Luật này.
2. Ngoài việc hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo như quy định trên thì khi Nhà nước thu hồi đất, người dân sẽ nhận được các hỗ trợ bao gồm: ổn định đời sống, sản xuất, di dời vật nuôi, đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, tái định cư và tháo dỡ, di dời tài sản.