10:03 - 25/09/2024

Người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì có được tiếp tục tiến hành không?

Người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì có được tiếp tục tiến hành không? Có phải đóng thuế đối với phần đất chênh lệch khi đo đạc lại mà ranh giới không đổi không? Xác định ranh giới giữa hai thửa đất như thế nào? Tôi và gia đình hàng xóm liền kề có một mảnh đất. Giữa hai nhà không có hàng rào phân định đất của ai nên mấy hôm trước tôi có liên hệ cán bộ địa chính tiến hành hôm nay sẽ đo đạc lại ranh giới thửa đất, tôi có thông báo cho chủ nhà bên kia biết nhưng hôm nay gia đình này đi đám cưới ngày kia mới về thì tôi không biết là việc người này vắng mặt có được tiếp tục tiến hành đo đạc ranh giới thửa đất không?

Nội dung chính

    1. Người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì có được tiếp tục tiến hành không?

    Tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có quy định như sau: 

    2.4. Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

    Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

    Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.

    Theo đó, việc người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất vẫn được tiếp tục.

    Cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan. Đơn vị đo đạc sẽ chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận.

    Người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì có được tiếp tục tiến hành không?

    Người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc ranh giới thửa đất thì có được tiếp tục tiến hành không? (Hình từ Internet)

    2. Có phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần đất chênh lệch khi đo đạc lại mà ranh giới không đổi không? 

    Theo Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

    5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

    Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.

    Như vậy, diện tích tăng thêm mà không có sự thay đổi về ranh giới thửa đất thì phần diện tích chênh lệch được cấp hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm.

    3. Xác định ranh giới giữa hai thửa đất như thế nào? 

    Căn cứ Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định ranh giới giữa các bất động sản, như sau:

    1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

    2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

    Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Với quy định nêu trên thì ranh giới giữa hai thửa đất liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trên.

    Trân trọng!

    1