Người phải thi hành án có thể khởi kiện về tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản nếu không đồng ý không?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Người phải thi hành án có thể khởi kiện về tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản nếu không đồng ý không?

Nội dung chính

    Người phải thi hành án có thể khởi kiện về tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản nếu không đồng ý không?

    Theo hướng dẫn tại Mục 5 Khoản II Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính do Tòa án nhân dân tối cao ban hành thì:

    Theo quy định tại khoản 13 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự thì chỉ có hai đối tượng, cụ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên, mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá.

    Như vậy, Luật Thi hành án dân sự không quy định người phải thi hành có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Do vậy, người phải thi hành án nếu không đồng ý với kết quả bán đấu giá tài sản thì họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết loại tranh chấp này.

    Vấn đề đặt ra là tại sao Luật lại quy định như vậy? Vấn đề này có thể giải thích như sau:

    Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản thì đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này. Theo quy định tại khoản 5 thì người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; theo quy định tại khoản 6 thì người mua được tài sản đấu giá là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; theo quy định tại khoản 8 thì người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm nếu không có người trả giá cao hơn theo phương thức trả giá lên; hoặc là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. Thực chất, đây là một giao dịch dân sự mà chủ thể tham gia là người có tài sản hoặc có quyền đưa tài sản ra đấu giá và người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Chỉ giữa những người này mới phát sinh quyền, nghĩa vụ có khả năng tranh chấp với nhau có liên quan đến kết quả đấu giá và chỉ người này mới có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả đấu giá nếu họ cho rằng có vi phạm pháp luật trong quá trình đấu giá làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Xem xét trường hợp cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản thì Cơ quan thi hành mà cụ thể là Chấp hành viên là bên có quyền đưa tài sản của người phải thi hành án ra bán đấu, mà không phải là người phải thi hành án có tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên và đưa ra bán đấu giá để thi hành án, bên trúng đấu giá tài sản là người tham gia đấu giá trả giá cao nhất theo phương thức trả giá lên hoặc chấp nhận mức giá đã giảm theo phương thức đấu giá xuống. Vì vậy, chỉ có Chấp hành viên và người trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá mới có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch bán đấu giá và có thể trở thành các bên tranh chấp với nhau về kết quả bán đấu giá tài sản. Người phải thi hành án không phải là người đưa tài sản ra bán đấu giá, tức là không tham gia, không phải là một bên trong giao dịch này nên không có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch và do đó họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Chỉ trong trường hợp duy nhất là họ tham gia và trúng đấu giá thì lúc này với tư cách là người mua được tài sản đấu giá thì họ mới có quyền khởi kiện.

    Thứ hai, nếu người phải thi hành án có căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án có hành vi, quyết định kê biên, định giá và bán đấu giá đối với tài sản của họ để thi hành án trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự . Việc giải quyết khiếu nại của họ được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật Thi hành án dân sự .

    Trên đây là nội dung quy định về việc khởi kiện “tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản” khi không đồng ý với kết quả bán đấu giá. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019.

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ