Người nhận thừa kế đất nông nghiệp có thể là viên chức được không?
Nội dung chính
Đất nông nghiệp bao gồm các loại đất nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:
- Đất trồng cây hằng năm (bao gồm đất trồng lúa và cây hằng năm khác).
- Đất trồng cây lâu năm.
- Đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
- Đất nuôi trồng thủy sản.
- Đất chăn nuôi tập trung.
- Đất làm muối.
- Đất nông nghiệp khác.
Người nhận thừa kế đất nông nghiệp có thể là viên chức được không?( Hình từ Internet)
Viên chức là ai?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 giải thích thì viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Đồng thời theo Khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức 2010 thì:
- Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
- Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
+ Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
+ Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
Như vậy, có thể hiểu viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật.
Người nhận thừa kế đất nông nghiệp có thể là viên chức được không?
Căn cứ quy định Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 quy định các trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
...
8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Như vậy, có 03 trường hợp cụ thể không được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất trong đó không đề cập đến viên chức không được nhận quyền thừa kế đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm g khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định về nhận quyền sử dụng đất như sau:
Nhận quyền sử dụng đất
1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
...
g) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận thừa kế quyền sử dụng đất;
Theo đó, pháp luật chỉ quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất mà không có hạn chế về việc nhận thừa kế đất nông nghiệp. Do đó, các cá nhân nói chung và viên chức nói riêng được quyền nhận thừa kế đất nông nghiệp.