Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là gì?

Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Thời điểm xác lập giao dịch về quyền sử dụng nhà ở là khi nào? Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là gì?

Nội dung chính

    Thời điểm xác lập giao dịch về quyền sử dụng nhà ở là khi nào?

    Theo Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

    Đồng thời theo quy định tại Điều 12 Luật Nhà ở 2023 về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở như sau:

    Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở
    1. Trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
    2. Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
    3. Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
    4. Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở với người mua, người thuê mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
    5. Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
    6. Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
    7. Giao dịch về nhà ở quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.

    Căn cứ các quy định trên thì việc xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trong từng trường hợp cụ thể có sự khác nhau. Ví dụ như đối với trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở sẽ là lúc hoàn thành xong việc xây dựng. Còn đối với trường hợp mua bán nhà ở thông thường của các cá nhân với nhau thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là lúc mà bên mua đã thanh toán đủ tiền mua nhà và nhận bàn giao nhà, trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác.

    Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở 2023 thì nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:

    - Sử dụng nhà ở đúng mục đích; lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở thuộc sở hữu của mình;

    - Thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

    - Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi bán, cho thuê mua, cho thuê, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

    Trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Nhà ở 2023 thì phải trả lại nhà ở khi hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Nhà ở 2023.

    Trường hợp Luật Đất đai có quy định khác về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;

    - Thực hiện đúng quy định của pháp luật và không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác khi bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở; trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Nhà ở 2023 thì còn phải thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên;

    - Mua bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà ở thuộc trường hợp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

    - Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật về việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời, phá dỡ nhà ở;

    - Có trách nhiệm để các bên có liên quan và người có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, bảo trì hệ thống trang thiết bị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần diện tích thuộc sở hữu chung, sử dụng chung;

    - Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được công nhận quyền sở hữu nhà ở, khi thực hiện giao dịch về nhà ở và trong quá trình sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật.

    - Nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật

    Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là gì?

    Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là gì? (Hình ảnh từ internet)

    Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài là gì?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Nhà ở 2023 thì chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ như là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở 2023. Ngoài ra, tổ chức,cá nhân nước ngoài còn có các nghĩa vụ quy định tại Điều 21 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài
    1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 11 của Luật này.
    2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:
    a) Đối với chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài thì được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
    b) Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì chỉ được sử dụng nhà ở để bố trí cho người đang làm việc tại tổ chức đó ở;
    c) Thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;
    d) Trong trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, tổ chức nước ngoài bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

    Tóm lại, chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có những nghĩa vụ tương tự như công dân Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ đóng thuế, tuân thủ quy định về sử dụng nhà ở, và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, tổ chức nước ngoài khi bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài khi bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất khỏi Việt Nam vì vi phạm quy định về sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này sẽ bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    43
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ