Nếu bố mẹ không ghi tên con trong di chúc, con có được quyền thừa kế không?
Nội dung chính
Bố mẹ không ghi tên con trong di chúc thì con có được hưởng thừa kế không?
Theo như tôi biết thì pháp luật có quy định có một số đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi con không có tên trong di chúc có được thừa kế tài sản của bố mẹ không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền sau:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Việc chỉ định người thừa kế và truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Do đó người lập di chúc có quyền cho con hưởng hoặc không được hưởng di sản của mình.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Theo quy định trên đây thì con không có tên trong di chúc sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu thuộc trường hợp sau: con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động. Trường hợp con đã thành niên và có khả năng lao động thì sẽ không được thừa kế di sản nếu như không có tên trong di chúc.
Bố mẹ không ghi tên con trong di chúc thì con có được hưởng thừa kế không? (Hình từ internet)
Hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, tòa có nhận đơn không?
Căn nhà mà gia đình tôi đang ở là trên đất mà trước đây ba tôi được ông nội cho (không có sang tên hay giấy tờ gì), sau đó 03 năm ông mất. Đến năm 2006 ba tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm cả đất thổ cư và đất nông nghiệp. Ông nội tôi có 04 người con, ba tôi là người con út, các cô chú thời điểm đó đều đi lập nghiệp ở xa, nay về đòi chia thừa kế, theo tôi tìm hiểu thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết, thế nay cô chú tôi nộp đơn lên Tòa thì Tòa có nhận đơn không?
Trả lời:
Tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Mặc dù thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đã hết nhưng trường hợp này Tòa án không có quyền trả lại đơn khởi kiện mà vẫn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều 191 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện thì người thẩm phán được phân công xem xét, thụ lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên có thể sau khi thụ lý Tòa án sẽ căn cứ vào Bộ luật Dân sự để ra quyết định đình chỉ.
Trường hợp trước đây, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại, thì Toà án thụ lý vụ việc và đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu không thuộc diện được miễn theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Trường hợp đã có bản án, quyết định của Toà án bác yêu cầu hoặc đình chỉ vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, thì Toà án căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để trả lại đơn khởi kiện và giải thích cho họ biết họ có quyền làm đơn đề nghị xem xét vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên.
Như vậy, khi đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, tòa án vẫn có thể nhận đơn khởi kiện từ đương sự.
Con dâu có được hưởng thừa kế theo pháp luật của bố mẹ chồng để lại không?
Chào Ban biên tập, sau khi bố mẹ chồng qua đời một thời gian nay bên chồng có yêu cầu chia thừa kế mảnh đất mà bố mẹ để lại. Liên quan đến vấn đề này Ban biên tập cho tôi hỏi: Theo quy định của pháp luật thì con dâu có được hưởng thừa kế theo pháp luật không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, có quy định về vấn đề bạn thắc mắc như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy theo quy định trên thì con dâu không được hưởng thừa kế theo pháp luật là di sản thừa kế của bố mẹ chồng.
Và tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản riêng của vợ chồng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
+ Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
+ Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
+ Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng...
Vậy nên theo quy định trên thì tài sản được thừa kế theo pháp luật thì đó là tài sản riêng.