Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất áp dụng từ năm 2024 là mẫu nào?
Nội dung chính
Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất áp dụng từ năm 2024 là mẫu nào?
Mẫu đơn này dùng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu (xem kỹ hướng dẫn viết Đơn trước khi kê khai; không tẩy xóa, sửa chữa trên Đơn).
Mẫu số 04/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
Tải về mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất năm 2024 tại đây.
Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất áp dụng từ năm 2024 là mẫu nào? (Hình từ Internet)
Khi cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu thì cần nộp các loại giấy tờ gì?
Khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất lần đầu, người sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 101/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Đơn đăng ký: Theo mẫu số 04/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đã đề cập ở mục trên.
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: Bao gồm một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 137 và các khoản trong Điều 148, 149 của Luật Đất đai 2024, cùng sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng (nếu có). Nếu có phần diện tích đất tăng thêm đã được cấp Giấy chứng nhận, cần nộp thêm giấy tờ liên quan.
- Giấy tờ thừa kế: Nếu có nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận, nộp giấy tờ liên quan đến việc nhận thừa kế.
- Giấy tờ chuyển nhượng: Nếu đã nhận chuyển quyền sử dụng đất, cần nộp giấy tờ có chữ ký của bên chuyển và bên nhận.
- Giấy tờ liên quan đến vi phạm hành chính: Nếu có xử phạt hành chính về đất đai, cần nộp giấy tờ chứng minh.
- Các tài liệu khác: Bao gồm hợp đồng, quyết định của Tòa án liên quan đến thửa đất, trích đo bản đồ địa chính (nếu có), hồ sơ thiết kế xây dựng công trình (nếu áp dụng), và chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính.
- Giấy xác nhận xây dựng: Nếu cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng phải xin phép, cần nộp giấy xác nhận đủ điều kiện từ cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện (nếu có).
Cơ quan tiếp nhận và nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất gồm:
- Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
- Văn phòng đăng ký đất đai: Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập tại các huyện, quận, hoặc thị xã, nhằm phục vụ người dân tại các địa bàn xa trung tâm.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu như sau:
Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
...
3. Đối với trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu thì người yêu cầu đăng ký lựa chọn nơi nộp hồ sơ như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân), cộng đồng dân cư thì nơi nộp hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì được lựa chọn nơi nộp hồ sơ quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
Như vậy, người yêu cầu đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất lần đầu có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ như sau: cá nhân Việt Nam (trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc cộng đồng dân cư nộp tại nơi quy định tại Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong khi đó, tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể nộp tại nơi quy định tại Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.