Hành vi không đăng ký đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt không?
Nội dung chính
Người sử dụng đất thực hiện đăng ký đất đai khi nào?
Căn cứ Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 131 Luật Đất đai 2024 cũng nêu rõ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
(1) Đăng ký lần đầu
Theo nội dung tại Điều 132 Luật Đất đai 2024 thì Đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
(1.1) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
(1.2) Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;
(1.3) Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký
(1.4) Tài sản gắn liền với đất mà có nhu cầu đăng ký đồng thời với đăng ký đất đai trong các trường hợp quy định tại các (i), (ii), (iii).
(2) Đăng ký biến động
Theo quy định tại Điều 133 Luật Đất đai 2024 thì đăng ký biến động đất đai được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
STT | Các trường hợp đăng ký biến động |
2.1 | Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất |
2.2 | Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên |
2.3 | Thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này |
2.4 | Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất |
2.5 | Đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đăng ký thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký |
2.6 | Chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này; trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 121 của Luật này mà người sử dụng đất có nhu cầu đăng ký biến động |
2.7 | Thay đổi thời hạn sử dụng đất |
2.8 | Thay đổi hình thức giao đất, cho thuê đất, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật này |
2.9 | Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất |
2.10 | Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật |
2.11 | Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề |
2.13 | Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất |
2.13 | Thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm |
2.14 | Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất yêu cầu cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất |
2.15 | Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất |
2.16 | Bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công |
Hành vi không đăng ký đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt không? (Hình từ Internet)
Hành vi không đăng ký đất đai thì bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định đối với hành vi không đăng ký đất sai sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại (1.1), (1.2), (1.3).
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại (2.1), (2.2), (2.9), (2.10), (2.11), (2.12), (2.16).
Lưu ý: Mức xử phạt hành chính nêu trên đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, ngoài mức phạt vừa nêu thì buộc phải thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Từ quy định trên, có thể kết luận rằng hành vi không đăng ký đất đai đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt lên đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức. Bên cạnh việc bị phạt tiền, các đối tượng vi phạm còn buộc phải thực hiện đăng ký đất đai theo đúng quy định pháp luật.
Hành vi không đăng ký đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân nhân cấp xã có thẩm quyền xử phạt không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
Theo như nội dung đã nêu ở phần trước, ngoài mức phạt tiền đến 6.000.000 đồng (đối với tổ chức có hành vi không đăng ký đất đai) thì còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký đất đai.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
Do đó, từ những phân tích nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền xử phạt hành vi không đăng ký đất đai theo quy định.