Liên hệ 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến trong Bản kiểm điểm cuối năm 2024 đối với Đảng viên?
Nội dung chính
27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến trong Đảng
Theo Nghị quyết 04-NQ/TW năm 2016 thì 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng viên được Đảng xác định gồm ba nhóm chính:
- Suy thoái về tư tưởng chính trị.
- Suy thoái về đạo đức, lối sống
- Tự diễn biến, tự chuyển hóa.
1- Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
5) Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
6) Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
7) Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.
8) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
9) Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
2- Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống
1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
4) Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.
5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
9) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
3- Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Như vậy, 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng viên được quy định như trên
Liên hệ 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến trong Bản kiểm điểm cuối năm 2024 đối với Đảng viên? (Hình từ Internet)
Liên hệ 27 biểu hiện suy thoái trong Bản kiểm điểm cuối năm
Trong bản kiểm điểm cuối năm 2024, Đảng viên cần nhận diện và liên hệ các biểu hiện này với bản thân, đánh giá sâu sắc từng biểu hiện cụ thể để tự nhận xét. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách liên hệ các biểu hiện suy thoái vào bản kiểm điểm.
(1) Tự đánh giá theo từng nhóm biểu hiện
Đảng viên có thể chia bản kiểm điểm thành ba phần chính, tương ứng với ba nhóm biểu hiện. Trong mỗi phần, hãy xem xét các biểu hiện cụ thể, và nêu rõ tình hình thực hiện cũng như mức độ cải thiện trong thời gian qua. Ví dụ:
- Phần suy thoái về tư tưởng chính trị: Đảng viên tự đánh giá xem mình có hiện tượng suy giảm niềm tin vào lý tưởng của Đảng hay không, có tích cực trong việc bảo vệ đường lối của Đảng trước các thông tin sai lệch không.
- Phần suy thoái về đạo đức, lối sống: Đảng viên nên nhìn lại xem mình có biểu hiện nào liên quan đến lạm dụng chức quyền, có sự xa rời nhân dân, hoặc có xu hướng chạy theo hưởng thụ, thiếu ý thức tiết kiệm không.
- Phần tự diễn biến, tự chuyển hóa: Đảng viên nên tự kiểm điểm về các biểu hiện nguy cơ suy thoái như đồng tình với các thông tin tiêu cực về Đảng, có tư tưởng muốn thoái hóa, hoặc có biểu hiện mất đoàn kết.
(2) Nhận diện, đối chiếu cụ thể
Trong từng nhóm biểu hiện, Đảng viên cần cụ thể hóa các hành vi hoặc tình huống thực tế trong năm qua liên quan đến từng biểu hiện. Điều này giúp bản kiểm điểm có tính chân thực, chi tiết. Ví dụ:
- Về tư tưởng chính trị: Nếu Đảng viên có thời gian bị giảm sút nhiệt huyết hoặc bị dao động bởi những thông tin tiêu cực, hãy nêu rõ lý do và phương án khắc phục.
- Về đạo đức, lối sống: Nêu rõ các trường hợp mình đã cải thiện được tác phong, không để lợi ích cá nhân chi phối trong công việc.
- Về tự diễn biến, tự chuyển hóa: Nếu có thời điểm Đảng viên thiếu ý chí kiên định, cần đề ra giải pháp củng cố bản lĩnh chính trị cho năm tiếp theo.
(3) Đề xuất phương hướng sửa chữa và cam kết khắc phục
Cuối bản kiểm điểm, Đảng viên cần có cam kết rõ ràng về việc phấn đấu trong năm tới. Cam kết này giúp tăng tính trách nhiệm và nêu cao tinh thần sửa đổi, phát huy điểm mạnh. Một số gợi ý:
- Về tư tưởng chính trị: Đề xuất các giải pháp cụ thể để tăng cường niềm tin vào Đảng, như tích cực tham gia học tập nghị quyết, chủ động cập nhật thông tin chính thống.
- Về đạo đức, lối sống: Cam kết thực hiện lối sống lành mạnh, tránh xa tham nhũng, tiêu cực, tăng cường ý thức trách nhiệm với công việc.
- Về tự diễn biến, tự chuyển hóa: Cam kết kiên định với con đường cách mạng của Đảng, không dao động trước các thông tin sai lệch, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc đoàn kết nội bộ.
Như vậy, Bản kiểm điểm cuối năm với sự liên hệ đến 27 biểu hiện suy thoái giúp Đảng viên tự nhìn nhận lại những điểm mạnh và hạn chế của mình. Đây là cơ hội để Đảng viên hoàn thiện bản thân, nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự trung thành với Đảng, từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tổ chức.