Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là bao nhiêu? Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam có thể nhận con nuôi không?
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là bao nhiêu?Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định ra sao?Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi
Nội dung chính
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là bao nhiêu?
Tôi được biết lệ phí đăng ký nuôi con nuôi bao gồm: lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Vậy cho tôi hỏi: Theo quy định hiện hành thì lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là bao nhiêu?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi được xác định bao gồm:
- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước.
- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài.
- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là lệ phí thu đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 141/2016/NĐ-CP thì: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam; Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam; Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định pháp luật khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 141/2016/NĐ-CP thì mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài cụ thể như sau:
- Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 9.000.000 đồng/trường hợp.
- Mức thu lệ phí thu đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 4.500.000 đồng/trường hợp.
- Mức thu lệ phí thu đối với trường hợp người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi: 4.500.000 đồng/trường hợp.
Ngoài ra, ngoài lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài thì người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
Cơ quan thu lệ phí:
- Ủy ban nhân dân cấp xã thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
- Sở Tư pháp thu lệ phí đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam.
- Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tư pháp.
Giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài đối với các trường hợp sau:
- Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
- Nhận hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi thì từ trẻ em thứ hai trở đi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
- Trường hợp nhận con nuôi thuộc cả hai trường hợp được giảm trên đây thì người nộp lệ phí được lựa chọn áp dụng mức giảm lệ phí theo một trong hai trường hợp trên.
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là bao nhiêu?(Hình ảnh internet)
Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định ra sao?
Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định ra sao? Xin chào ban biên tập, tôi là Nguyễn Viết Tuấn, hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là: Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 35 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể như sau:
Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện vì lợi ích của trẻ em, có tính đến lợi ích của người nhận con nuôi trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu cơ bản sau đây:
- Đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;
- Khả năng hòa nhập và phát triển của trẻ em;
- Điều kiện kinh tế, môi trường gia đình, xã hội và nguyện vọng của người nhận con nuôi.
Bên cạnh đó, vấn đề này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 20 Nghị định 19/2011/NĐ-CP
- Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên ngành để tham mưu, tư vấn trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài bảo đảm chặt chẽ, khách quan, phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Trên đây là nội dung câu trả lời về các căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật Nuôi con nuôi 2010.
Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi
Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi được quy định ra sao? Xin chào ban biên tập, tôi là Hoàng Bảo, đang làm việc tại một tổ chức xã hội, hiện tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về việc nhận nuôi có nuôi, nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là: Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi được cho làm con nuôi có yêu tố nước ngoài quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!
Trả lời: Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi quy định tại Điều 41 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể như sau:
1. Quy định tại các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 21, 23, 24, 25, 26 và 27 Luật Nuôi con nuôi 2010 được áp dụng đối với người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.
2. Hồ sơ của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi được nộp cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010
Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi; trường hợp từ chối thì phải trả lời cho người nhận con nuôi bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Ngay sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, người được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ đối với người được xin nhận làm con nuôi từ gia đình và gửi quyết định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi mà không có lý do chính đáng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi.
Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và đại diện Sở Tư pháp.
Trên đây là nội dung câu trả lời về người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật Nuôi con nuôi 2010